Người Việt đang tự đầu độc nhau (Bài 4)

Chưa bao giờ người Việt phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như bây giờ và cũng chưa bao giờ trong lịch sử y học Việt Nam, các dịch bệnh biến chứng nặng như bây giờ, khiến con người phải hoang mang, lâm vào các vòng xoáy dịch bệnh dẫn đến giảm năng lượng sống và tổn thọ.

Dịch bệnh nối dịch bệnh

 

Ngay tại thời điểm này, con người đang phải tìm cách đối phó với các dịch sởi, thủy đậu hoành hành ở hầu hết tỉnh, thành, đặc biệt là trẻ em. Hàng nghìn trẻ em nối đuôi nhau nhập viện trong tình trạng sức khỏe yếu. Thậm chí có không ít trường hợp tử vong do bị biến chứng nặng. Trước đó, khi bệnh tay chân miệng, quai bị, cúm còn chưa được dập tắt thì lại tiếp nối luôn các dịch bệnh này. Nghĩa là hết dịch bệnh này đến dịch bệnh khác, làm con người quay cuồng trong bệnh tật.

 

Theo cảnh báo từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố đang trong giai đoạn đối đầu với nhiều dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, những ca mắc các bệnh thủy đậu, sởi, tay chân miệng… đều tăng. Như sốt xuất huyết, chỉ tính đầu năm 2014 đã tăng 28% so với cùng kỳ năm 2013; thủy đậu tăng 156%...

 

Một khu rừng ở Tây Nguyên bị chặt hạ để khai thác gỗ

Một khu rừng ở Tây Nguyên bị chặt hạ để khai thác gỗ

 

Còn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thì quan ngại về nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch và đặc biệt là xuất hiện các bệnh mới không những khó xác định mà còn khó điều trị… Đáng ngại nhất là bệnh do vi rút ăn thịt người gây nên. Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận hơn 10 ca bị vi rút ăn thịt người một cách đúng nghĩa, tức là virus ấy tấn công vào cơ thể người qua những chỗ trầy xước rồi ăn thịt bệnh nhân khiến thối rữa rồi làm suy đa phủ tạng. Theo công bố của các nhà nghiên cứu, vi rút ăn thịt người (Aeromonas hydrophila) tìm thấy ở khắp nơi trong tự nhiên, cả vùng nước ngọt và lợ.

 

Cũng tại vùng nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long, một hệ lụy đang xảy ra là sau khi chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang nuôi tôm nước lợ chỉ 2 năm, mật độ muỗi Anopheles epiroticus chuyên truyền nhiễm bệnh sốt rét tăng hơn 50 lần so với trước đây. Đã vậy, lại xuất hiện thêm nhiều loại muỗi như Anopheles maculatus và Anopheles pamanai… Như vậy, nhiều loại muỗi truyền nhiễm ký sinh trùng sốt rét đồng nghĩa với việc bệnh sẽ lây lan rộng và quan trọng tính chất của bệnh khác nhau dẫn đến phác đồ điều trị duy trì từ trước tới nay không còn hiệu quả. PGS.TS Hồ Đình Trung, Phó viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Trung ương (NIMPE) nhận định với báo giới: “Khi mật độ vector truyền bệnh tăng, mức độ tiếp xúc giữa người với vector tăng, nguy cơ lan truyền sốt rét trong cộng đồng cũng tăng theo”.

 

Chuốc họa vào thân

 

Cùng với những dịch bệnh tạm coi đến một cách khách quan thì có nhiều loại bệnh con người gây ra một cách chủ động, làm tổn thọ đồng loại.

 

Gần đây nhất báo Dân trí đưa tin về một loại “thần dược” có thể “biến hóa” một đứa trẻ suy dinh dưỡng thành bụ bẫm vì tăng 5-7kg/tháng. Thuốc này thuộc dạng viên, màu trắng, có ghi TCO/5, xuất xứ từ Đức được một phụ nữ có “nickname” Ha Pham quảng cáo và bán qua mạng. Các bà mẹ sau khi “rỉ tai nhau” đã đổ xô đi mua. Nhưng cũng chỉ vì “hiệu quả” quá nhanh, giá tiền lại chỉ 3-6 nghìn đồng/viên tùy từng thời điểm nên như “gậy ông đập lưng ông”, các chuyên gia y tế đã vào cuộc và kết quả thật hãi hùng khi họ phát hiện đó không phải là thuốc bổ mà là thuốc độc bảng B, dùng để kháng viêm. Song do có tác dụng phụ là giữ nước nên người uống có cảm giác tăng cân. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Loan, Phó trưởng khoa Thực hành Dược, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng đã khẳng định trên mặt báo: “Đây là loại thuốc Dexa me thassone dùng trong trường hợp chống viêm nặng. Nó có 10 tác dụng phụ như làm teo da, chân tay vì giảm đạm, rút canxi gây loãng xương ở người lớn, còi xương ở trẻ em, làm tăng đường huyết, đặc biệt với trẻ em thuốc làm kích thích thần kinh, ăn uống nhưng giữ nước, rối loạn chuyển hóa mỡ, đường… Loại này chỉ được phép sử dụng 5-7 ngày và theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ”.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả, “thủ phạm” kê đơn thuốc này cho những bệnh nhi lười ăn, suy dinh dưỡng lại chính là… bác sĩ Phạm Thị Tạo, từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng!?

 

Từ ngày Internet phát triển phải nói rằng đời sống của con người thay đổi hẳn về mặt công nghệ, thông tin, xã hội… Nó trở thành một phương tiện hữu ích cho con người, song bên cạnh đó cũng có nhiều mặt trái nhất là trong trường hợp lạm dụng mạng. Ví dụ về mua thuốc trên mạng trên đây là một điển hình, làm cho con người tưởng rằng “nhất cử tam tứ tiện” nhưng thực ra lại là: rước họa vào thân.

 

Cách đây không lâu, một bệnh nhi đã được Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống vì bị biến chứng phổi nặng do đã được mẹ điều trị theo… mạng. Bệnh nhi này 7 tháng tuổi, đang mọc những chiếc răng đầu tiên. Cũng vì đang mọc răng như vậy mà khi bé bị sốt kèm theo ho húng hắng, mẹ của bé lên các diễn đàn như Facebook, “Làm cha mẹ” chia sẻ đã nhận được những “kết luận” đại loại như: sốt mọc răng, ho do thời tiết, ho vì… mọc răng… đồng thời “chỉ định”: dùng nước ấm hạ sốt bằng cách lau người, mua thuốc mỡ về bôi vào lợi, chỗ răng mọc để giảm đau cho con, khi nào sốt thật cao mới dùng thuốc hạ nhiệt… Và mẹ của bệnh nhi đã làm theo mà không cần đưa con đi khám bác sĩ. Chỉ 3 ngày sau, hậu quả khôn lường của việc chữa bệnh theo… mạng đã xảy ra: đứa trẻ sốt cao đến nỗi lên cơn giật, chút nữa cắn vào lưỡi nếu như người nhà không nhanh tay dùng chiếc thìa chặn giữa hai hàm răng, xuất hiện việc ngừng thở theo cơn, co rút cơ hô hấp... Mẹ của bệnh nhi vội vàng đưa con đi cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, thì ôi thôi, trước hình ảnh chụp phim: lá phổi bên trái trắng xóa một vùng cùng kết luận của bác sĩ: đứa trẻ bị viêm phổi nặng. Mẹ bệnh nhi suýt ngất, vì chút nữa, bởi sự bất cẩn, chữa bệnh “online” của chị mà con chị suýt trả giá bằng cả tính mạng.

 

“Gậy ông đập lưng ông”

 

Theo GS Jeremy Farrar, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại TP Hồ Chí Minh, sở dĩ các bệnh mới phát triển và bùng phát các dịch bệnh cũ là do hủy hoại môi trường tự nhiên làm phát sinh sự trỗi dậy của các loài vi sinh vật nguy hại”. TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia Hà Nội thì khẳng định: “Mất cân bằng sinh thái khiến nhiều loại vi sinh vật trở nên hung dữ hơn, có thể gây ra nhiều bệnh tật mới nguy hiểm hơn cho con người”.

 

GS.TS Trương Quang Học, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam dẫn chứng: “Từ một quốc gia có diện tích rừng chiếm 72% diện tích toàn quốc, đến năm 1995 chỉ còn 28%. Đến nay diện tích rừng đã tăng lên gần 40% nhưng chủ yếu số mới phục ấy là rừng trồng nên có giá trị đa dạng sinh học rất thấp. Vùng ven biển và dưới biển cũng vậy, gần 5 thập niên qua, 80% diện tích rừng ngập mặn cả nước bị hủy diệt trong khi 96 rặng san hô bị đe dọa hủy hoại nghiêm trọng. Còn sách đỏ của Liên minh Bảo tồn quốc tế đã ghi 300 loài ở Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đây là tổn thất rất lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, khoa học, môi trường, nhân văn và đặc biệt là sức khỏe”.

 

Và tất cả sự hủy hoại trên đây không ai khác chính do con người tạo ra và là “thủ phạm” để vì một cuộc sống, mưu sinh trước mắt, quên đi sức khỏe, tuổi thọ bền vững không chỉ của bản thân mà của toàn nhân loại. Hôm nay là đối mặt với các dịch bệnh nhưng ngày mai có thể là “diệt vong” vì chính những điều con người tự gây nên. Chuyện này khác nào “gậy ông đập lưng ông”.

 

Chữa bệnh theo mạng, hay lừa lọc, “giết người” từ từ của bác sĩ nào đó trong việc bán thuốc độc bảng B nhưng lại bảo thuốc bồi bổ sức khỏe con người cũng vậy. Đó là hành động thể hiện sự trục lợi, tham tiền, sẵn sàng kiếm tiền một cách vô lương tâm trên sự sống của đồng loại.

 

Theo Nguyễn Bách

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm