DNews

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới "chương cuối" của căn bệnh thế kỷ?

Thảo Vy

(Dân trí) - Đến nay, thế giới ghi nhận 7 trường hợp được chữa khỏi HIV. Người đầu tiên là Timothy Ray Brown. Ông loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể trong 12 năm. Đến năm 2020, ông qua đời vì ung thư.

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới "chương cuối" của căn bệnh thế kỷ?

Người thứ 7 trên thế giới được chữa khỏi HIV

Cuối tháng 7 vừa qua, thông tin về một người đàn ông ở Đức khỏi HIV được đồng loạt đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong 4 thập kỷ đại dịch HIV/AIDS hoành hành, chỉ có 6 trường hợp khác được ghi nhận đã chiến thắng căn bệnh thế kỷ này.

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 1

Người thứ 7 trên thế giới được công bố chữa khỏi HIV (Ảnh minh họa: Getty).

Theo NBC, người đàn ông Đức này đã được điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (acute myeloid leukemia - AML) bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc vào 10/2015.

Bệnh nhân đã ngừng sử dụng thuốc kháng retrovirus (thuốc điều trị HIV) vào 9/2018 và vẫn đang trong tình trạng thuyên giảm virus mà không có sự tái phát. Nhiều xét nghiệm siêu nhạy đã không phát hiện thấy HIV có thể sống trong cơ thể ông. 

Từ trường hợp này, các nhà nghiên cứu cho biết đã cung cấp những bằng chứng quan trọng cho nghiên cứu chữa trị HIV. Thông tin chi tiết về ca bệnh dự kiến sẽ được trình bày bởi TS.BS Christian Gaebler đến từ Charité-Universitätsmedizin Berlin, tại Hội nghị AIDS Quốc tế lần thứ 25 tại Munich.

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 2

Bệnh nhân được chữa khỏi HIV sau khi thực hiện ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu (Ảnh minh họa: Getty).

"Thời gian thuyên giảm HIV càng dài mà không cần bất kỳ liệu pháp điều trị nào, chúng tôi càng có thể tự tin rằng, có lẽ chúng ta đang chứng kiến một trường hợp thực sự đã loại bỏ hoàn toàn HIV có khả năng sống", TS Gaebler nói.

Như với tất cả các trường hợp được công bố chữa khỏi HIV trước đó, các chuyên gia đưa ra một lời cảnh báo, có thể gây thất vọng với công chúng: "Việc điều trị đã ngăn chặn virus ở 7 bệnh nhân này sẽ chỉ phù hợp với một số ít người.

Tất cả 7 trường hợp trên đều nhiễm HIV và sau đó phát triển ung thư máu. Sau đó, các bệnh nhân phải cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư".

Phân tích sâu hơn, theo các báo cáo, trong 7 trường hợp, những tế bào miễn dịch từ người hiến đều có sức đề kháng tự nhiên với virus HIV.

Đây là yếu tố then chốt đã giúp bệnh nhân sau khi ghép tế bào gốc loại bỏ khỏi cơ thể tất cả bản sao virus HIV có khả năng sống.

Bên cạnh đó, phương pháp cấy ghép tế bào gốc tiềm ẩn rủi ro và có thể gây tử vong cho người nhận. Vì vậy, sẽ là phi đạo đức nếu áp dụng thường quy phương pháp này chỉ đơn thuần điều trị HIV.

Vì sao con người có thể lên mặt trăng nhưng lại chịu thua HIV?

HIV tấn công và phá hủy các tế bào CD4 (còn gọi là các tế bào T CD4) trong hệ thống miễn dịch. Đây vốn là tế bào giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Sự mất mát các tế bào CD4 khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và một số loại ung thư liên quan đến HIV. 

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 3

HIV tấn công tế bào miễn dịch (Ảnh: Getty).

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là giai đoạn muộn của HIV, có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh. AIDS chỉ được hình thành khi hệ miễn dịch của người nhiễm HIV hoạt động rất yếu, không còn khả năng bảo vệ cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng cơ bản. 

Nếu người nào đã bị AIDS, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị tổn hại nghiêm trọng. Nó đã suy yếu đến mức không thể chống lại hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Điều đó làm cho người bệnh dễ bị một loạt các bệnh như viêm phổi, bệnh lao, nấm miệng, viêm màng não, ung thư Kaposi, ung thư hạch...

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 4

Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân AIDS (Ảnh: Getty).

Phương pháp điều trị HIV thường quy hiện nay là liệu pháp kháng retrovirus (ART). ART bao gồm việc sử dụng kết hợp các loại thuốc điều trị HIV (được gọi là phác đồ điều trị HIV) hàng ngày.

Các loại thuốc điều trị HIV ngăn chặn HIV nhân lên (tạo ra các bản sao của chính nó), giảm lượng HIV trong cơ thể (được gọi là tải lượng virus).

Việc giảm lượng HIV trong cơ thể giúp hệ thống miễn dịch có cơ hội phục hồi và sản sinh thêm các tế bào CD4. Mặc dù vẫn còn một lượng nhỏ HIV trong cơ thể, nhưng hệ thống miễn dịch đủ mạnh để chống lại nhiễm trùng và một số loại ung thư liên quan đến HIV. 

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 5

Phương pháp điều trị HIV thường quy hiện nay là liệu pháp kháng retrovirus (Ảnh: Getty).

ART được khuyến cáo cho tất cả những người nhiễm HIV. ART không thể chữa khỏi HIV, nhưng các loại thuốc điều trị HIV giúp người nhiễm HIV sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. ART cũng giảm nguy cơ lây truyền HIV.

Theo đó, khi một người nhiễm HIV được điều trị bằng ART mà đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.

Năm 1995, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lý do tại sao HIV có thể quay trở lại ngay cả khi nó dường như đã bị đánh bại bằng ART.

Một số tế bào mà HIV lây nhiễm là các tế bào miễn dịch đang ở trong hoặc bước vào trạng thái không hoạt động.

Việc điều trị kháng retrovirus tiêu chuẩn cho HIV chỉ có hiệu quả đối với các tế bào miễn dịch đang tích cực tạo ra các bản sao virus mới.

Do đó, HIV trong các tế bào nghỉ ngơi khác vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Tập hợp các tế bào này được gọi chung là kho chứa virus. 

Bất cứ lúc nào một tế bào trong kho chứa đều có thể bắt đầu sản xuất HIV. Đó là lý do tại sao nếu những người mắc virus ngừng sử dụng thuốc kháng retrovirus, tải lượng virus của họ thường sẽ tăng trở lại trong vài tuần. 

Bất chấp hàng thập kỷ nỗ lực, chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào để tìm ra những phần ẩn của virus.

Một cuộc cấy ghép tế bào gốc có thể chữa HIV một phần. Theo lý giải, phương pháp này yêu cầu phá hủy hệ thống miễn dịch của một người bằng hóa trị liệu và đôi khi là xạ trị. Sau đó, bác sĩ sẽ thay thế nó bằng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh của người hiến tặng. 

Con đường chiến thắng HIV của 6 bệnh nhân trước đó

Timothy Ray Brown, còn được gọi là "Bệnh nhân Berlin", là một người Mỹ sống ở Đức, đã được điều trị AML.

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 6

Timothy Ray Brown vào năm 2019 (Ảnh: Health).

Vào năm 2008, trường hợp của ông được công bố đã gây chấn động lĩnh vực nghiên cứu HIV. Người đàn ông sinh năm 1966 này đã qua đời vì bệnh bạch cầu tái phát vào năm 2020.

Adam Castillejo, còn được gọi là "Bệnh nhân London", 44 tuổi, là một người Venezuela sống ở Anh. Anh đã nhận được cấy ghép tế bào gốc AML vào năm 2016 và ngừng điều trị HIV vào năm 2017. Anh được coi là đã được chữa khỏi HIV.

Marc Franke, "Bệnh nhân Düsseldorf", 55 tuổi được điều trị bằng cấy ghép tế bào gốc vào năm 2013. Ông ngừng sử dụng thuốc kháng retrovirus vào 11/2018. Đến nay vẫn chưa phát hiện virus quay trở lại.

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 7

Marc Franke (Ảnh: Health).

Paul Edmonds, còn được gọi là "Bệnh nhân City of Hope". Đây là trường hợp chữa khỏi HIV lớn tuổi nhất. Ở tuổi 63, ông nhận cấy ghép tế bào gốc cho AML và sau đó trải qua hóa trị liệu giảm cường độ do tuổi tác của mình.

Paul Edmonds không sử dụng thuốc kháng retrovirus từ 3/2021. Các nhà khoa học đang "nín thở" chờ Paul Edmonds đạt mốc 5 năm không có sự tái phát virus HIV.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông bày tỏ sự phấn khích về trường hợp thứ 7 được chữa khỏi HIV: "Tầm nhìn của tôi khá rõ ràng: Một thế giới nơi HIV không còn là một bản án vĩnh viễn, mà chỉ là một bệnh từng mắc phải".

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 8

Paul Edmonds và các bác sĩ City of Hope (Ảnh: Health).

"Bệnh nhân New York" là người phụ nữ đầu tiên được chữa khỏi HIV. Cô được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2017 và nhận cấy ghép tế bào gốc kết hợp với máu cuống rốn. Điều này cho phép một sự kết hợp di truyền thấp hơn với người hiến tặng của cô, do đó mở rộng hơn nhóm người hiến tặng. 

"Bệnh nhân Geneva", ở tuổi 50, đã được chẩn đoán mắc một bệnh ung thư máu hiếm gặp và đã ngừng điều trị HIV từ 11/2021. Các nhà nghiên cứu vẫn thận trọng về tình trạng chữa khỏi của trường hợp này vì các tế bào miễn dịch của người bệnh không kháng HIV. 

Những bí ẩn cần vén màn để chấm dứt căn bệnh thế kỷ

Trong 5/7 trường hợp đã chữa khỏi HIV, bác sĩ đã phát hiện những người hiến tặng có các khiếm khuyết tự nhiên hiếm gặp trong cả hai bản sao của một gen mã hóa cho protein đặc biệt, gọi là CCR5. Điều này dẫn đến họ không thể tổng hợp CCR5.

Người thứ 7 khỏi HIV: Sắp tới chương cuối của căn bệnh thế kỷ? - 9

Có nhiều tín hiệu tích cực trong cuộc chiến với HIV (Ảnh: Getty).

CCR5 nằm ở trên bề mặt các tế bào miễn dịch. Hầu hết các chủng HIV sẽ bám vào protein này để có thể lây nhiễm vào tế bào. Không có CCR5, các tế bào miễn dịch sẽ kháng được HIV. Điển hình như người hiến tặng của bệnh nhân Đức chỉ có một bản sao của gen CCR5.

Việc có cả hai bản sao của gen mã hóa CCR5 bị khiếm khuyết rất hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 1% số người có tổ tiên từ Bắc Âu bản địa. Với trường hợp một bản sao khiếm khuyết sẽ phổ biến hơn hẳn, tỷ lệ này rơi vào khoảng 16%.

"Vì vậy, nghiên cứu này cho thấy rằng chúng ta có thể mở rộng nhóm người hiến tặng cho những trường hợp như thế này", TS Sharon Lewin, Giám đốc Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch (Melbourne, Úc), nói trong một buổi họp báo gần đây. 

Đáng nói, trường hợp ở Geneva được công bố chữa khỏi HIV vào năm ngoái lại được nhận tế bào gốc từ người hiến có hai bản sao bình thường của gen CCR5. Vì vậy, các tế bào miễn dịch được cấy ghép của anh ta không hề có khả năng kháng HIV.

Trường hợp này đặt ra câu hỏi quan trọng về các yếu tố thực sự góp phần vào việc chữa HIV thành công.