Người phụ nữ khốn khổ vì ngực lệch, một bên to gấp 5 lần bên còn lại

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân 40 tuổi (Phú Thọ) chia sẻ sự mặc cảm, khốn khổ khi có hai bầu ngực mất cân đối, với bên vú phải to gấp 5 lần vú trái. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ đến 2kg ngực trái của bệnh nhân để tạo sự cân đối với ngực phải.

Ngày 19/9, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) cho biết xử lý thành công ca ngực lệch do mang khối u vú bất thường cho bệnh nhân nữ (40 tuổi, ở Phú Thọ).

Cách đây 4 năm, bệnh nhân có khối u lành tính tuyến vú bên trái, được xử trí cắt bỏ ở một bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, sau đó khối u tiếp tục phát triển. Đặc biệt một năm trở lại đây, khối u vú bên trái tăng kích thước nhanh bất thường, khiến bộ ngực của chị bị lệch hẳn sang bên trái.

Các bác sĩ đã cắt bỏ đến 2kg khối u làm ngực trái bệnh nhân lớn gấp 4 - 5 lần ngực phải.
Các bác sĩ đã cắt bỏ đến 2kg khối u làm ngực trái bệnh nhân lớn gấp 4 - 5 lần ngực phải.

Ngực trái bệnh nhân lớn gấp 4 - 5 lần ngực phải khiến bệnh nhân rất khốn khổ, mặc cảm về thẩm mỹ. Chưa kể, thời gian gần đây bệnh nhân thường xuyên có cảm giác bị đau ngực trái, đau lan lên vùng cổ và gây khó thở. Khi ngủ, chị không thể nằm ngửa mà phải nằm nghiêng để đặt ngực “khủng” sang một bên.

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), bệnh nhân có hai bầu ngực mất cân đối rất lớn, với bên ngực trái có kích cỡ khoảng 2.700ml, lớn gấp 4 - 5 lần ngực bên phải.

Không những thế, phần ngực trái xuất hiện nhiều mạch máu nổi chằng chịt trên da. Tuyến vú có khối cứng chắc, phần da và tuyến vú lành rất mỏng do bị khối u chèn ép, vú trái sa trễ ở mức độ rất nhiều (khoảng cách đòn núm vú 40cm) tới ngang vùng rốn của bệnh nhân.

"Kích cỡ ngực trái tăng là do khối u phát triển quá lớn, trong khi thực tế phần nhu mô tuyến vú không còn lại bao nhiêu, chỉ còn da bọc khối u" - ThS Minh cho biết thêm.

Sau khi tiến hành các chiếu chụp, xét nghiệm, các bác sĩ xác định khối u lành tuyến vú và tiến hành phẫu thuật cắt bỏ trọn vẹn khối u “khủng”, tạo hình ngực cho bệnh nhân.

Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ trọn vẹn khối u nặng gần 2.000 gram và tạo hình ngực thành công.

ThS.BS Nguyễn Đình Minh cho biết, u tuyến vú của bệnh nhân còn gọi là u diệp thể (Phyllode tumor) rất dễ nhầm lẫn với bệnh phì đại tuyến vú, hoặc u xơ tuyến vú đơn thuần nên người bệnh có xu hướng chịu đựng mà không nghĩ đến nguy cơ khối u để đến viện sớm.

Đây cũng là một bệnh lý hiếm gặp chiếm từ 0,3 - 0,9% trong tổng số các khối u vùng vú. Việc chẩn đoán xác định bệnh lý này và thể bệnh là rất quan trọng, để từ đó các bác sĩ có thể đưa ra được phương án điều trị thích hợp.

Theo BS Minh, việc cắt bỏ tuyến vú toàn bộ được thực hiện ở hầu hết các ca bệnh, nhưng sau khi thực hiện các phương pháp điều trị trên thường để lại sự không cân đối giữa hai bên vú hoặc biến dạng bầu vú. Vì thế, các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thì việc phục hình tuyến vú là một mục tiêu quan trọng, đặc biệt là đối với các bệnh nhân nữ trẻ tuổi.

Hồng Hải