Người phụ nữ Hà Nội thừa cả “rổ” da bị chùng nhão, chảy xệ
(Dân trí) - Toàn bộ da phần thân trên của chị N.T.L (38 tuổi, Hà Nội) chùng nhão, chảy xệ, ngực teo tóp sa trễ dài 30 cm sau khi chị giảm cân từ 98 kg xuống 72 kg.
Trước đây, chị thường xuyên thấy mệt mỏi, nhức đầu, cảm cúm nên mua nhiều loại thuốc tây, thuốc bắc và thuốc nam để uống. Thế nhưng cũng vì thế mà cân nặng của chị tăng chóng mặt từ 54 kg lên đến hơn 60, 80 và “đỉnh cao” là 98 kg vào năm 2018. Cân nặng của chị tăng gần gấp đôi chỉ sau 1 năm, kèm theo đó là tình trạng rạn da toàn thân.
Không những thế chị còn bị men gan tăng cao, loãng xương, huyết áp tăng cao, thị lực giảm… Cân nặng quá khổ khiến chị đi lại khó khăn, thậm chí ngồi không cũng khó thở, muốn đứng lên hay ngồi xuống chị đều phải nhờ người hỗ trợ, có lúc phải ngồi xe lăn. Chị cũng không hiểu vì sao cân nặng của mình tăng nhanh như thế, chị ăn không nhiều, mỗi bữa chỉ 2 lưng bát cơm.
Đi khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bác sĩ phát hiện ra chị bị suy tuyến thượng thận, nguyên nhân có thể do lạm dụng corticoid trong các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị tăng cân không kiểm soát.
Kiên trì điều trị gần 2 năm, kết hợp giảm cân, cân nặng của chị đã giảm dần còn 72 kg. Tuy nhiên da toàn bộ thân trên của chị chùng nhão, chảy thành rổ, ngực teo tóp còn 2 vạt da sa trễ 30 cm.
Qua giới thiệu, chị tìm đến GS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại Y Hà Nội. Theo GS Sơn, toàn bộ thân trên của bệnh nhân bị tích mỡ, nhiều nhất là ở bụng, ngực, lưng, 2 bên cánh tay. Việc tăng cân quá nhanh khiến các sợi collagen dưới da bị đứt gãy, căng mỏng hình thành các vết rạn. Sau đó, chị lại giảm cân đột ngột, mỡ tiêu nhanh khiến da chùng nhão không thể co lại.
Bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ toàn bộ da thừa, tạo hình lại thành bụng và treo lại vú sa trễ. Bệnh nhân cũng cần giảm thêm 6-7 kg để giảm tích trữ thuốc mê khi phẫu thuật.
Ngày 22/8, GS Trần Thiết Sơn cùng TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng đơn vị Tạo hình Thẩm mỹ Công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và ekip thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ca mổ kéo dài hơn 3,5 giờ. Các bác sĩ đã cắt khối da thừa có kích thước 55 x 55 cm, tương đương 3.000 cm2 cùng lớp mỡ dưới da.
Theo TS Phạm Thị Việt Dung, lượng da thừa của bệnh nhân quá lớn nên, bệnh nhân cần phẫu thuật làm 2 lần. Đầu tiên, bác sĩ tái tạo lại phần mặt trước (thu treo vú và cắt da thừa, tạo hình thành bụng), sau 3-6 tháng sẽ tiếp tục phẫu thuật lần thứ hai, tạo hình vùng lưng và bắp tay.
Hiện bệnh nhân đã được xuất viện.
PGS.TS Vũ Thu Nga, Trưởng Đơn vị Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân L lạm dụng corticoid gây hội chứng Cushing. Ngoài gây tăng cân, béo bụng và ngực, hội chứng này còn gây tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường, đặc biệt là suy thượng thận sau khi ngừng thuốc. Bệnh nhân đang được điều trị thay thế hormon thượng thận, cần thời gian để đánh giá thêm nhưng khả năng hồi phục suy thượng thận ở bệnh nhân này khó vì đã sử dụng các loại thuốc trên quá dài.