Người mẹ nuốt nước mắt hiến tạng con để nhiều gia đình được đoàn tụ
(Dân trí) - 10h tối, chị Nguyễn thị Hương (Bắc Giang) tiễn 2 con sang nhà bà ngoại chơi, mà không hề biết rằng, đó là lần cuối cùng mình được gặp con.
Chiếc xe của cậu thanh niên 19 tuổi Nguyễn Tiến Mạnh cùng em trai không may gặp tai nạn khi chỉ vừa đi được mười phút.
Hai anh em được tức tốc đưa lên Bệnh viện Bắc Giang để cấp cứu. Tuy nhiên, trong khi người em vẫn còn cơ hội để cứu chữa thì Mạnh lại bị chấn thương quá nặng dẫn đến chết não.
"Khoảnh khắc nhận được cái lắc đầu của bác sĩ, vợ chồng tôi như chết lặng", giọng nói của người phụ nữ xen lẫn tiếng nấc.
Trong giây phút tận cùng của nỗi đau, chị cảm thấy hoàn toàn bế tắc và không biết phải làm gì tiếp theo.
Thế rồi chị lại nghĩ đến những ông bố, bà mẹ khác cũng đang phải đứng trước cửa phòng cấp cứu và đối mặt với cảm giác tuyệt vọng này, khi con mình "thập tử nhất sinh".
Chị Hương tâm sự: "Số phận con tôi không được may mắn. Là người mẹ tôi đau xót lắm nhưng cứ giữ nỗi đau này lại thì sự ra đi của cháu là vô nghĩa. Trong khi mỗi phần cơ thể của Mạnh lại có thể mang đến sự sống cho những người không may khác, giúp nhiều gia đình không phải chịu nỗi đau mất người thân như chúng tôi".
Sau khi chị Hương thuyết phục và nhận được sự đồng ý của những thành viên trong gia đình, Mạnh được đưa lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) ngay trong đêm, để thực hiện ca mổ lấy mô tạng.
"Chịu đau một chút con nhé, để mang lại niềm hạnh phúc đến cho mọi người", chị Hương liên tục nhẩm lời an ủi cậu con trai trong đầu xuyên suốt ca phẫu thuật.
Về phần mình, dù là người chủ động đề nghị cho con hiến tạng và hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa cao đẹp của nó, thì người mẹ trẻ vẫn cảm thấy nỗi đau như tăng gấp bội.
Chị Hương nhớ lại: "Nghĩ đến ca mổ, tôi lại càng đau đớn thêm, vì con không còn được "nguyên vẹn". Tôi phải nghĩ rằng, đây là điều tuyệt vời nhất, đáng tự hào nhất trong cuộc đời mà con mình làm được, để tự động viên mình".
Theo nguyện vọng của gia đình, Mạnh đã cho đi tất cả những phần cơ thể mà em có thể hiến tặng. Không chỉ có phủ tạng mà còn là mô, mạch máu, gân, giác mạc...
Đến nay, chị Hương cho biết, đã có 3 gia đình đã tránh được nỗi đau mất con nhờ mô tạng của Mạnh.
"Mạnh lúc còn sống rất ngoan. Hy vọng các cháu mang trong mình một phần cơ thể của Mạnh cũng sẽ trở thành người có ích trong xã hội và đi tiếp con đường đời mà con tôi đã phải dừng bước", đôi mắt người mẹ mất con chợt ánh lên niềm hy vọng.
Chị Hương là 1 trong 22 đại diện gia đình có người thân hiến tạng, tề tựu về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong ngày cuối năm, 30/12, để tham dự Chương trình "Gửi lời tri ân".
Mỗi gia đình lại có một câu chuyện riêng, một hoàn cảnh riêng. Tuy nhiên, họ cùng có một điểm chung người hùng giữa đời thực.
Phát biểu tại Buổi lễ, TTND.GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh, cuộc sống của nhiều người bệnh được kéo dài thêm chính là nhờ một phần thân thể của những người hiến tạng. Nhiều người có cuộc sống khỏe mạnh và trở lại công tác, làm việc và đóng góp cho xã hội. Đây là điều rất đáng quý.
"Cho đi là còn lại mãi mãi. Nếu không có nghĩa cử cao đẹp ấy, thì những kỹ thuật ghép tạng có hiện đại đến đâu cũng không thể thực hiện được. Xin trân trọng gửi đến các thân nhân lời tri ân sâu sắc nhất và mong rằng, nghĩa cử này sẽ không ngừng được lan tỏa", GS Giang chia sẻ.
Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là trung tâm hàng đầu cả nước về ghép tạng. Bệnh viện đã thực hiện 1.100 ca ghép thận, 90 bệnh nhân được ghép gan, 34 bệnh nhân được ghép tim và 5 bệnh nhân được ghép phổi.