Người lo âu, stress nên ngồi thiền bao lâu?
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy tập luyện thiền thực sự mang lại tác động thể chất và tâm lý cho người mắc rối loạn lo âu, stress.
Những phát hiện này cho thấy thiền có thể trở thành 1 chỉ định hàng đầu trong điều trị lo lắng nhằm bảo vệ họ khỏi các vấn đề thể chất.
“Kết quả nghiên cứu chỉ rõ rằng lo lắng sẽ giảm trong giờ đầu tiên sau khi thiền định và các dấu hiệu lo âu giảm hẳn sau 1 tuần thiền định đều đặn”, trưởng nhóm nghine cứu, John J.Durocher, chuyên gia tâm lý, khoa sinh lý học, ĐH Công nghệ Michigan, cho biết.
“Một giờ sau thiền, dấu hiệu stress trên các mạch máu của tình nguyện viên đã giảm hẳn. Điều này sẽ giúp giảm căng thẳng cho các cơ quan như não, thận và giúp phòng ngừa các bệnh như huyết áp cao”.
Stress và lo lắng đã được chứng minh là tác động tới thể chất, làm tăng mứ độ viêm, gây ra các vấn đề ở tim và rối loạn chức năng cơ thể.
Các bệnh nhân có thể uống nhiều loại thuốc cho từng biểu hiện bệnh, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm hay aspirin để duy trì sức khỏe tim.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ở Michigan đã quyết định định lượng xem thiền sẽ tác động đến cơ thể như thế nào và liệu nó có thể là một cách điều trị khả thi hay không.
14 người có huyết áp bình thường nhưng có mức độ lo âu cao đã tham gia vào nghiên cứu. Những người này sẽ được kiểm tra chức năng tim mạch - bao gồm nhịp tim, huyết áp, huyết áp ở động mạch chủ và độ đàn hồi của động mạch trước và sau khi thiền 60 phút.
Loại thiền được các tình nguyện viên thực hiện tập trung vào hơi thở và nhận thức được suy nghĩ của bản thân.
Các kết quả cho thấy sự can thiệp đơn giản cũng có thể mang lại những cải thiện có thể đo lường được ở những người lo âu.
Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết các tình nguyện viên đều tiếp tục thiền sau buổi thiền định đầu tiên và thang điểm lo lắng của họ đã giảm hơn nửa chỉ 1 tuần sau đó.
“Thiền thực sự giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch ở những người mắc chứng lo âu vừa phải”, Durocher nói.
Nhân Hà
Theo DM