1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông tử vong vì bị phạt squat 300 lần

Minh Khôi

(Dân trí) - Một người đàn ông 28 tuổi ở Philippines kiệt sức sau khi bị phạt squat 300 lần, dẫn tới tử vong.

Squat 300 lần, người đàn ông tử vong

Người đàn ông tử vong vì bị phạt squat 300 lần - 1

Một người đàn ông chết sau khi squat 300 lần do vi phạm quy định cách ly Covid-19. (Ảnh minh họa)

Theo Guardian, nạn nhân là anh Darren Manaog Peñaredondo, 28 tuổi. Anh này chịu hình phạt sau khi bị bắt gặp đang mua nước uống sau 18h tối ngày 31/3.  

Được biết, đây là điều đã vi phạm lệnh giới nghiêm của thành phố General Trias - nơi đang trong tình trạng tăng cường cách ly xã hội chống Covid-19. 

Sau đó, Peñaredondo và một người bạn đã bị đưa tới trước hội trường thành phố và thực hiện một bài tập chống đẩy tựa như squat với số lượng 100 lần, như một hình phạt cho việc vi phạm quy định.

"Tuy nhiên, hai người này bị buộc thực hiện lặp lại các bài tập nếu không đều nhau. Cuối cùng họ đã squat tổng cộng 300 lần", các nhà chức trách địa phương cho biết.

Về nhà lúc 8h sáng 1/4, anh Peñaredondo hầu như không thể cử động vì quá mệt.

Cuối ngày hôm đó, Reichelyn Balce, người phụ nữ sống chung với Peñaredondo cho biết nạn nhân bắt đầu lên cơn co giật, mặt mũi tím tái, tim ngừng đập, và chết vào lúc 22h tối. 

Đừng chủ quan với các bài tập sức khỏe

Người đàn ông tử vong vì bị phạt squat 300 lần - 2

Sự việc trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp dẫn tới đột tử trong khi chơi thể thao, tập luyện. Bên cạnh số người được cho là nạn nhân của những "lời thách thức", có rất nhiều người khác cũng chịu hậu quả khi tập luyện mà không biết được "giới hạn của bản thân".

Theo lý giải của các chuyên gia về sức khỏe, việc bắt đầu với một bài tập với cường độ nặng là điều tối kỵ, đặc biệt là với những người ít vận động, không quen với các bài tập thể dục, thể thao. 

Các chuyên gia cho biết một người dù có sức khỏe tốt, không bệnh tật gì nhưng trước giờ không thường xuyên tập luyện, nay lại bắt đầu ngay với một động tác thể dục nặng thì dễ bị tổn thương cơ - xương - khớp vì không kịp thích nghi. 

Đây chính là hiện tượng đau nhức cơ trì hoãn khởi phát hay còn gọi là Delayed Onset Muscle Soreness (DOMS). Một vài người cảm thấy đau nhất là 24 tiếng sau tập thể dục, trong khi đó một số khác lại cảm giác đau nặng nhất sau 2 ngày tập luyện.

Những biểu hiện của DOMS là cảm giác khó chịu đi kèm sưng tấy, cơ gân phồng to, cứng khớp. Nếu nặng, có thể khiến các khớp bị ảnh hưởng, thậm chí mất đi chức năng hoạt động của các cơ đó. 

Người đàn ông tử vong vì bị phạt squat 300 lần - 3

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc tập luyện những môn thể dục, thể thao đòi hỏi sức bền với cường độ cao, vượt qua sức chịu đựng của cơ thể có thể dẫn đến tình trạng "ngộ độc tim" - những thay đổi vĩnh viễn ở cấu trúc cơ tim.

Những thay đổi đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhịp tim bất thường (arrhythmia) và gia tăng nguy cơ đột quỵ do trụy tim.

Ngoài ra, những người thường xuyên vận động quá sức có chỉ số sinh hóa (biochemical markers) tương đương với người mắc chứng trầm cảm mạn tính. 

Không chỉ tương đồng về sự biến đổi quá trình tiết trytophan và serotonin mà cả người bị trầm cảm và người tập thể dục quá mức đều có những biểu hiện về hành vi giống nhau như dễ cáu gắt, mất ngủ, động lực kém.

Theo lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe, khi phải thực hiện các bài tập "thử thách", tốt nhất hãy chọn một cách tiếp cận khoa học. Ví dụ, với thử thách squat, nên bắt đầu với một lịch tập phổ biến khác yêu cầu tăng dần từ 20, 25, 30… mỗi ngày.