Người đàn ông suýt phải cưa bỏ chân hoại tử vì đắp lá chữa đau nhức
(Dân trí) - Khi được đưa đến Bệnh viện Việt Đức, vết thương bàn chân phải của người bệnh hoại tử, chảy dịch mủ thối, nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ tiên lượng khó giữ lại bàn chân.
Anh T.V.V. (49 tuổi, Trực Ninh Nam Định) cho biết, từ cuối năm 2019, anh cảm thấy bàn chân phải của mình đau nhức, đi lại khó khăn.
Nhưng giáp Tết công việc bận rộn, rồi nghe mọi người khuyên đau nhức chân đắp thuốc nam là khỏi nên anh tự mua thuốc nam về đắp.
Rất nhanh sau đó chân của anh càng sưng đau nhiều hơn, xuất hiện các vết hoại tử và chảy dịch mủ thối. Vợ bệnh nhân đang làm ăn ở xa nghe chồng nói về cái chân chảy dịch mới vội về đưa chồng đi khám.
Tại BV Việt Đức, bàn chân phải của người bệnh hoại tử, chảy dịch mủ thối, nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ tiên lượng khó giữ lại bàn chân.
Qua nhiều cuộc phẫu thuật, với sự quyết tâm của các bác sĩ Viện chấn thương chỉnh hình và đơn vị chăm sóc vết thương - khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, cùng với sự chăm sóc tận tình của các điều dưỡng, dần dần vết thương của anh N. tiến triển tốt hơn.
"Tuy nhiên để có kết quả này, bệnh nhân, bác sĩ phải trải qua 2 tháng ròng rã “xuyên năm mới". Hiện giờ, bàn chân của anh N. có khả năng giữ lại, tuy chức năng vẫn còn hạn chế", thạc sĩ Trần Tuấn Anh, bác sĩ khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương, người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân N. cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương, tình trạng bệnh nhân đến viện vì vết thương lở loét, chảy mủ do đắp lá, đắp thuốc nam còn rất phổ biến, không ít trường hợp hoại tử nghiêm trọng, gây nhiễm trùng, điều trị kéo dài, khó khăn.
Vì thế, PGS Chính khuyến cáo người dân, khi có vấn đề về sức khoẻ cần tìm hiểu thông tin thật kĩ, nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị để đạt được những kết quả tốt nhất, tránh để lại hậu quả “tiền mất tật mang".
Tú Anh