Người đàn ông ở TPHCM đột tử khi đánh cầu lông: Bác sĩ nói gì?
(Dân trí) - Đang đánh cầu lông, người đàn ông ở TPHCM đột ngột ngưng tim, ngưng thở. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.
Đột tử khi đánh cầu lông
Ngày 30/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TPHCM) thông tin với phóng viên Dân trí, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận một trường hợp nguy kịch, tử vong bất ngờ khi đang đánh cầu lông.
Bệnh nhân là một người đàn ông tên N. (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức). Theo thông tin ban đầu, tối 25/7, người đàn ông cùng bạn đến sân cầu lông tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức để sinh hoạt thể thao.
Tuy nhiên khi đang đánh cầu lông, bệnh nhân thấy mệt rồi đột ngột co giật, sùi bọt mép. Bệnh nhân được người xung quanh gọi cấp cứu 115, đưa vào Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (khoảng 30 phút sau khi sự việc xảy ra) trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở.
Bệnh nhân được các bác sĩ tích cực cấp cứu 1 giờ nhưng không có tim. Sự việc sau đó được trình báo công an.
Theo đại diện phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện, người đàn ông trên có cơ địa to con, béo phì (nặng khoảng 90kg). Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khi tập luyện, vận động quá sức.
"Gần đây, truyền thông cũng chia sẻ nhiều về câu chuyện đang chạy bộ thì gặp nguy hiểm vì rối loạn nhịp tim, hay học sinh tập thể dục bị ngất xỉu vì tối qua học bài khuya... Các vấn đề này có một tỷ lệ nhất định. Với bệnh nhân nêu trên, cần phải điều tra thêm mới nhận định được nguyên nhân chính xác gây đột tử", nguồn tin nói.
Khuyến cáo từ bác sĩ
Theo chuyên gia y học thể thao, các thống kê cho thấy, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ, chưa phát hiện vì không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa.
Có những trường hợp bên ngoài hoàn toàn khỏe mạnh nhưng trên điện tâm đồ có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim, như hội chứng Brugada, hội chứng QT dài... Những trường hợp này khi cố tập luyện thể dục thể thao với lượng vận động lớn, trong điều kiện vệ sinh an toàn tập luyện kém sẽ dẫn đến các tai nạn, cấp cứu, thậm chí đột tử trên sân tập.
Bên cạnh đó, việc thể dục thể thao dù giúp nâng cao sức khỏe, nhưng tập luyện quá sức hoặc không đúng tư thế có thể dẫn đến các chấn thương cơ xương khớp hoặc biến chứng nguy hiểm khác.
Cụ thể, chấn thương thể thao thường gặp ở những bộ môn có tốc độ di chuyển nhanh, tính chất va chạm mạnh như bóng đá, bóng rổ, tennis, cầu lông, võ thuật… Trong đó, phần thân dưới có nhiều khả năng bị chấn thương nhất khoảng 42%, chấn thương ở các chi trên chiếm 30,3%, còn lại là chấn thương ở đầu và cổ.
Các chấn thương thể thao thường gặp bao gồm 4 nhóm chính. Căng cơ là nhóm chấn thương thường gặp nhất, xảy ra khi cơ hoặc gân bị giãn căng hoặc bị rách, tình trạng này thường gặp ở các cơ đùi sau, cơ tứ đầu (cơ đùi trước), cơ háng, cơ bắp chân, cơ bả vai và cơ lưng.
Nhóm bong gân là một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc rách, tổn thương này thường gặp khi vận động quá mức, dễ xảy ra nhất ở vùng cổ chân.
Nhóm chấn thương đầu gối bao gồm rách dây chằng chéo trước, rách dây chằng bên trong gối, hội chứng bánh chè - đùi. Nhóm chấn thương ở vai và cánh tay bao gồm: viêm gân khớp vai (viêm gân chóp xoay, viêm đầu dài gân nhị đầu) và viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay.
Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp một bệnh viện cho biết, nhiều chấn thương thể thao gây đau đớn hoặc khó chịu ngay lập tức, nhưng một số chấn thương chỉ có thể nhận thấy sau một thời gian dài. Vậy nên, mọi người không nên lơ là bất kỳ biểu hiện nào.
Một tổn thương dù nhỏ nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể trở nên nghiêm trọng hơn, nặng nề nhất là gây tàn phế.
Cử nhân Nguyễn Trung Giang, Chuyên viên Vật lý trị liệu, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hướng dẫn một số mẹo để tránh chấn thương:
Thứ nhất, có chế độ tập luyện vừa đủ: Việc ép buộc cơ thể hoạt động ở cường độ cao trong thời gian dài có thể gây quá tải lên hệ thống cơ xương khớp và là nguyên nhân chính dẫn tới những chấn thương.
Thứ hai, chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ hỗ trợ tốt nhất cho quá trình phục hồi và tái tạo của cơ thể.
Thứ ba, khởi động và giãn cơ.
Thứ tư, sử dụng công cụ hỗ trợ, như băng dán thể thao (cắt dán, bẻ khớp gối), băng thun cố định (cài băng đầu gối, dậm chân) sẽ giúp gia tăng thêm sự ổn định cho cơ thể khi vận động.
Thứ năm, lựa chọn giày chuyên biệt và phù hợp với đôi chân và cảm giác của bạn.