1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông mắc bệnh mèo cào hiếm gặp

Hà An

(Dân trí) - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) gần đây tiếp nhận một bệnh nhân nam bị sốt và sưng hạch nách sau khi bị mèo cắn. Bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh mèo cào.

Đây là bệnh nhân nam 37 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh. Khoảng 50 ngày trước khi nhập viện, anh bị mèo cắn trong khi bắt mèo nhà để làm thịt.  

Bệnh nhân đến khám trong tình trạng sưng đau đầu ngón tay 3 bên phải, vùng hố nách cùng bên tay bị mèo cắn có hạch sưng đau kích thước khoảng 3x2cm. Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh mèo cào, theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân được điều trị bằng giảm đau, hạ sốt, kháng sinh theo phác đồ. 

Người đàn ông mắc bệnh mèo cào hiếm gặp - 1

Bên cạnh sưng đầu ngón tay bị mèo cắn, bệnh nhân còn bị sưng hạch nách (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh mèo cào là bệnh được thế giới công nhận là bệnh nhiễm trùng thường do trực khuẩn gram âm Bartonella henselae gây ra. Mèo đóng vai trò là ổ chứa tự nhiên của Bartonella henselae và sinh vật này gây bệnh nhiễm khuẩn huyết trong hồng cầu và có thể tồn tại một năm hoặc lâu hơn ở một số con mèo. 

Cơ chế nhiễm bệnh có thể do mèo cào hay cắn gây xây xước trên cơ thể người bệnh hoặc mèo liếm làm rơi nước bọt vào vết thương hở trên cơ thể người bệnh. 

BSCKI Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, với bệnh mèo cào, vi khuẩn hay gây bệnh cho người là trực khuẩn gram âm nội bào Bartonella henselae. Khi xâm nhập từ mèo vào cơ thể con người qua vết cào hoặc vết cắn, vi khuẩn sẽ tấn công hệ thống hạch bạch huyết của cơ thể người gây tình trạng viêm hạch tại chỗ. 

Bệnh nhân sẽ thấy bị sưng tấy, đau, đóng vảy đen tại vị trí bị mèo cào, cắn hoặc liếm. Sau một thời gian vảy bong nhưng vết thương không liền sẹo như vết thương thông thường mà vẫn sưng, phù nề. Các hạch bạch huyết gần vùng cắn có thể bị sưng to gây tình trạng sốt, chán ăn, nhức đầu kéo dài 2-5 tháng.

Bệnh mèo cào nếu được bác sĩ chẩn đoán đúng, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng sinh đặc hiệu kịp thời thì tình trạng bệnh nhân ổn định.

"Nếu phát hiện muộn bệnh có thể biến chứng nghiêm trọng vào nội tạng gây tổn thương gan thận, biến chứng thần kinh gây viêm não, động kinh, biến chứng vào mắt gây mù lòa…", BS Đức nói.  

Các bác sĩ khuyến cáo, khi tiếp xúc với động vật như chó, mèo, người dân phải chú ý tránh việc chúng cào, cắn, hạn chế tiếp xúc gần với chó, mèo khi da bị xây xước.

Khi mèo cào, cắn, liếm vết thương hở phải rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh 5-10 phút, dùng xà phòng hoặc nước sát khuẩn rửa, vệ sinh. Mặc dù tỷ lệ bệnh dại do mèo tương đối thấp nhưng cần theo dõi tình trạng ốm, chết của mèo khoảng 15 ngày, đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng uốn ván hoặc phòng dại.

Các gia đình nuôi chó, mèo cần chủ động tiêm phòng dại cho chó mèo, đặc biệt với gia đình có trẻ em cần biết cách bảo vệ trẻ em khỏi những con chó mèo dữ để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng cảnh báo tình trạng nhiễm giun đũa chó, mèo từ vật nuôi. 

Người bệnh thường tới viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da đã nhiều năm. Đồng thời, họ cũng đi khám và điều trị một số bệnh viện chuyên khoa da liễu, miễn dịch lâm sàng nhưng bệnh không thuyên giảm.

Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Bạn nên vệ sinh sạch sẽ chó, mèo, bát đựng thức ăn, đồng thời cần xử lý và vệ sinh sạch sẽ chất thải của chúng. 

Người nuôi cũng cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo, từ đó giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Vì chó, mèo cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao.