Người đàn ông hoại tử cổ chân do vết rắn cắn cách đây 20 năm

Thanh Tùng

(Dân trí) - Ngày 29/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, các bác sĩ Khoa Chỉnh hình - Bỏng mới phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị hoại tử cổ chân do vết rắn cắn cách đây 20 năm.

Trước đó, bệnh nhân H.V.O. (55 tuổi, trú huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử nặng cổ chân phải, tạo ổ loét rộng.

Nam bệnh nhân cho biết, vết thương xuất phát từ vết rắn cắn cách đây 20 năm. Vì thấy không phải là rắn độc nên ông O. về nhà tự xử lý vết thương. Sau khi vết thương lành, có để lại sẹo co rút cổ chân và các ngón chân khiến ông O. khó khăn trong việc co duỗi cổ chân và vận động các ngón chân.

Cách đây 4 tháng, bệnh nhân thấy sẹo bị loét, chảy dịch nhiều, đau nhức nên mua thuốc tự bôi ở nhà, tuy nhiên không đỡ. Những ngày sau đó, ổ loét lan rộng, sâu, hoại tử hết phần da, thịt vùng cổ chân phải.

Người đàn ông hoại tử cổ chân do vết rắn cắn cách đây 20 năm - 1

Vùng cổ chân của bệnh nhân bị hoại tử do vết rắn cắn cách đây 20 năm (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa).

Thấy bệnh tình ngày càng nặng, ông O. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử nặng cổ chân phải, tạo ổ loét rộng có kích thước 8x5cm.

Để tránh vết thương nhiễm trùng diện rộng, đảm bảo các chức năng vận động bàn chân và thẩm mỹ cho người bệnh, các bác sĩ quyết định cắt bỏ ổ loét nhiễm trùng của bệnh nhân, sử dụng phương pháp phẫu thuật chuyển vạt Sural che phủ vùng cổ chân phải, giải phóng sẹo co rút cho bệnh nhân.

7 ngày sau khi được phẫu thuật, tình trạng vạt da ghép hồng hào, vết mổ khô, ổ loét cổ chân phải đã được che phủ kín, bệnh nhân không còn đau nhức và tập vận động co duỗi bàn chân tốt, các ngón chân không còn hiện tượng co rút. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.

Người đàn ông hoại tử cổ chân do vết rắn cắn cách đây 20 năm - 2

Nam bệnh nhân đã bình phục sau ca phẫu thuật (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa).

Bác sĩ Nguyễn Duy Quang, khoa Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi đã lấy da vùng bắp chân phải gần vị trí ổ loét để khâu vạt da che phủ vùng khuyết bàn chân phải cho bệnh nhân.

Phẫu thuật chuyển vạt có cuống mạch liền che phủ giúp người bệnh bảo tồn bàn chân, hồi phục vận động tốt, vùng vạt da sau khi chuyển là tổ chức mềm mại không co dính như sẹo trước, vận động bàn chân, ngón chân của bệnh nhân sẽ dần trở lại bình thường sau thời gian tập phục hồi chức năng".

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các vết thương dù rất nhỏ, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt hơn, tránh nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương lan rộng, cũng có thể ung thư hóa cao.

Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, ngăn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm