Người dân mòn mỏi ngóng thuốc, vật tư y tế
(Dân trí) - Bệnh viện tuyến dưới thiếu thuốc, những bệnh nhân nghèo chật vật lo giấy chuyển viện lên tuyến trên. Một số người bệnh khác chấp nhận rút tiền túi mua thuốc ngoài với giá không hề rẻ.
Chật vật tìm thuốc
Có chỉ định thay thủy tinh thể cả hai mắt, bà Nhàn (63 tuổi) đã đợi một tháng rưỡi mà vẫn chưa có vật tư. Nhà nghèo không có điều kiện mua ngoài nên bà đành đợi để thay theo diện bảo hiểm y tế.
Thấy hai mắt mờ dần, bà Nhàn được con cháu đưa đi khám tại cơ sở y tế gần nhà thì được chẩn đoán bị đục thủy tinh thể và có chỉ định thay cả 2 mắt. Thấy vậy gia đình xin chuyển bảo hiểm y tế lên tuyến trên.
Tuy nhiên, lên đến nơi, bác sĩ chỉ bảo về chờ, khi nào có sẽ gọi vì chưa có thủy tinh thể nhân tạo để thay trong diện bảo hiểm y tế. Nếu không chờ, gia đình có thể mua thủy tinh thể nhân tạo bên ngoài nhưng không được bảo hiểm chi trả.
"Vì nhà nghèo, không có điều kiện, cộng thêm bác sĩ bảo đợi cũng được nên gia đình tôi đành chờ. Thế nhưng đã qua một tháng rưỡi, giấy chuyển viện cũng đã hết hạn mà người nhà tôi vẫn chưa được phẫu thuật", chị Hoài, cháu bà Nhàn nói.
Gia đình bà Nhàn đang làm lại thủ tục chuyển viện. Tuy nhiên, mắt bà ngày càng kém, thị lực giờ chỉ còn 2/10, mắt khó chịu nên gia đình đang tính phương án nếu lần này vẫn chưa có thủy tinh thể để thay, gia đình sẽ mua bên ngoài để thay tạm trước cho bà một bên mắt.
Không thể đợi như bà Nhàn, anh Nam (43 tuổi) đã lựa chọn bỏ ra 1,5 triệu đồng để mua thuốc bên ngoài.
Phát hiện mắc viêm gan B được 4 năm, anh cần phải uống thuốc hàng tháng để kiểm soát tải lượng virus. Mới đầu, anh được kê thuốc Tenofovir, sau 2 năm thấy chỉ số creatinin tăng, sợ ảnh hưởng đến thận nên anh được chuyển sang dùng Entecavir từ năm 2019.
Hàng tháng, anh vẫn lên bệnh viện lĩnh đều thuốc Entecavir theo diện bảo hiểm y tế, mới đầu là loại của Canada sau đó chuyển sang dùng loại của Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, mới đây đi khám lại, bác sĩ thông báo với anh đã hết thuốc Entecavir và tư vấn anh quay lại dùng Tenofovir.
"Đang uống thuốc mới có hiệu quả, nên tôi không đồng ý quay lại thuốc cũ. Vì thế, tháng vừa rồi tôi đành phải mua thuốc bên ngoài uống", anh Nam nói.
Chưa đàm phán xong giá thuốc biệt dược gốc, các bệnh viện cần chủ động mua
Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Bệnh viện trực thuộc Bộ về việc chủ động mua sắm các thuốc thuộc danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá tại Thông tư 15/2020. Hiện có 69 thuốc biệt dược gốc thuộc danh mục đàm phán giá.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Hội đồng Đàm phán giá thuốc (Bộ Y tế) đang tích cực đàm phán giá với nhà thầu đối với các thuốc biệt dược gốc đã được phê duyệt. Ngay sau khi Bộ Y tế phê duyệt kết quả đàm phán giá, Trung tâm sẽ công bố kết quả để các cơ sở y tế thực hiện.
Trong khi chưa có kết quả đàm phán giá, để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị các cơ sở y tế có trách nhiệm chủ động mua sắm theo quy định.
Câu chuyện thiếu thuốc không mới song bắt đầu nóng lên từ giữa tháng 6 vì nó xảy ra ở nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện lớn. Thủ tướng Chính phủ liên tục, quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế cùng các Bộ ngành liên quan đưa ra các biện pháp giải quyết khó khăn cho vấn đề mua sắm thuốc.
Trọng tâm trong các biện pháp này là cần giải quyết được những bất cập trong quy định pháp luật về đấu thầu để đảm bảo người dân luôn tiếp cận được với thuốc chất lượng cao an toàn, nhanh chóng, bền vững.
Gấp rút sửa đổi các văn bản, quy định liên quan
Bên cạnh việc sửa đổi luật Đấu thầu, xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược theo trình tự, thủ tục rút gọn, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc tập trung quốc gia, đàm phá giá…, Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 15/2019.
Trong bối cảnh đang triển khai đàm phán giá, rất cần thiết việc tiếp tục triển khai gói thầu biệt dược gốc tại Điều 8 trong quy định hiện hành của thông tư 15.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu IQVIA, thuốc biệt dược gốc chiếm 11% trên tổng lượng sử dụng của thuốc kê đơn của Việt Nam (so với mức bình quân 27% tại châu Á - Thái Bình Dương). Hiện giá biệt dược gốc xuất xưởng của Việt Nam vào hàng thấp nhất ASEAN và sẽ tiếp tục giảm khi triển khai đàm phán giá. Gần 2/3 số biệt dược gốc đang sử dụng là thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền.
Hiện nay trong quy định đã có gói thầu mua sắm cho biệt dược gốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang trong quá trình sửa đổi các quy định liên quan và đang tham vấn theo 2 phương án: duy trì gói biệt dược gốc và bỏ gói biệt dược gốc. Điều này khiến cho môi trường chính sách dành cho biệt dược gốc thiếu tính ổn định, tính dự báo để các nhà cung ứng có kế hoạch sản xuất.
Nếu các biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bắt buộc đấu thầu chung với thuốc generic nhóm 1 thì sẽ không công bằng vì không thể cạnh tranh về giá, không thể tồn tại trên thị trường Việt Nam. Không đấu thầu được, thuốc biệt dược gốc sẽ không thể có mặt trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các nhà thuốc. Người bệnh chịu thiệt thòi trước tiên, không tiếp cận và sử dụng được biệt dược gốc. Bác sĩ điều trị cũng bị giới hạn quyền lựa chọn thuốc trong công tác điều trị.
Trong khi đó, trong điều trị, các biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ không phải luôn thay thế được, các thuốc generic cần phải có thử tương đương sinh học. Người bệnh có nhu cầu tiếp tục sử dụng hoặc bắt buộc phải sử dụng biệt dược gốc để đảm bảo hiệu quả điều trị sẽ bị phát sinh các khoản chi từ tiền túi. Trong khi trước kia, chi phí này có thể được san sẻ nhờ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, việc này có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện đường dây cung cấp thuốc biệt dược gốc từ nước ngoài không kiểm soát được.
Theo một chuyên gia hàng đầu về chính sách y tế, thuốc biệt dược gốc không phải là mặt hàng cần là có ngay hay có sẵn để thay thế bởi mỗi mặt hàng được cung cấp bởi một nhà sản xuất và một nhà phân phối. Các nhà sản xuất và nhà phân phối cần phải có kế hoạch điều phối giữa các thị trường trên toàn cầu. Khi biệt dược gốc khó vào thị trường Việt Nam, bác sĩ và người bệnh không tiếp cận được với thuốc mới.
Những bệnh nhân có khả năng chi trả cao sẽ ra nước ngoài khám chữa bệnh, gây thất thoát ngoại tệ và không thúc đẩy được việc đầu tư công nghệ, dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam.
Biệt dược gốc (thuốc phát minh) là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả. Theo đó, công dụng, chỉ định điều trị và hướng dẫn sử dụng đều được thẩm định, đánh giá theo quy trình rất nghiêm ngặt trước khi công bố tại thời điểm thuốc được đưa vào lưu hành. Mỗi thuốc phát minh được đưa vào lưu hành đều tạo ra những bước tiến đột phá trong điều trị, có ý nghĩa với cả thầy thuốc và bệnh nhân. Hãng sản xuất giữ bản quyền sáng chế (patent) trong thời hạn bảo hộ (10-20 năm).
Khi hết patent, các hãng dược khác có quyền mua nguyên liệu và sản xuất các thuốc tương tự công thức biệt dược gốc được gọi là thuốc generic.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.