Người bệnh ung thư có nên tiêm phòng vắc xin Covid-19?

Hồng Hải

(Dân trí) - Rất nhiều bạn đọc mắc bệnh ung thư, có người thân bị bệnh ung thư gửi câu hỏi đến báo Dân trí về việc có nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi mắc căn bệnh này?

Rất nhiều bạn đọc hỏi về tình trạng bị ung thư đang điều trị, ung thư đã điều trị ổn định liệu có nên tiêm vắc xin Covid-19 hay không?

Như trường hợp một bạn đọc hỏi có tiền sử bị ung thư tuyến giáp đã điều trị ổn định được 5 năm nay. Vậy họ có thuộc diện nguy cơ cao khi tiêm vắc xin Covid-19 không và có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không?

Có bạn đọc điều trị ung thư vú ổn định đã 7 năm, cũng băn khoăn lo lắng không biết có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19?

Người bệnh ung thư có nên tiêm phòng vắc xin Covid-19? - 1

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định nên tiêm ngừa vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa).

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, những trường hợp bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định, nên tiêm ngừa vắc xin Covid-19.

"Những người đã có tiền sử ung thư sau điều trị ổn định càng nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Bởi bệnh nhân ung thư khi nhiễm Covid-19, đã có sẵn bệnh lý nền khi mắc bệnh sẽ biểu hiện nặng nề hơn. Vắc xin sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ các triệu chứng nặng", PGS Cơ cho biết.

Tuy nhiên, nhóm người có bệnh lý nền đã ổn định (bao gồm cả bệnh nhân ung thư điều trị ổn định) thuộc nhóm thận trọng khi tiêm, nên được khuyến cáo tiêm chủng tại bệnh viện, được bác sĩ khám sàng lọc kỹ trước khi chỉ định tiêm. Nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ thực hiện tiêm chủng, theo dõi sức khỏe sau tiêm như hướng dẫn.

Với những băn khoăn của bệnh nhân ung thư, e ngại các phản ứng phụ sau tiêm, PGS Cơ cho rằng không nên quá lo lắng. Bởi các phản ứng sau tiêm thông thường là sốt, đau nhức tại chỗ chỉ sau 1-2 ngày là ổn định.

"Tất cả vắc xin bản chất là đưa chất lạ vào cơ thể. Vắc xin nào cũng có tỉ lệ nhất định về tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của vắc xin", PGS Cơ nói.

Với vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, hiện tại, tất cả các nước đều báo cáo tác dụng phụ không mong muốn, như biểu hiện sốt, đau mỏi người giống như triệu chứng cúm, đau mỏi, sưng nề tại chỗ tiêm. Đây là biểu hiện thông thường sau tiêm vắc xin, người dân ko nên quá lo lắng với các biểu hiện thông thường này.

"Có người tiêm về cảm giác ớn lạnh, có người sốt 39-40 độ phải dùng thuốc hạ sốt. Đừng quá lo lắng, đó là triệu chứng thông thường sau tiêm vắc xin. Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, sau tiêm 2-3 ngày tuyệt đối không uống bia rượu, hạn chế hoạt động nặng, hoạt động thể thao", PGS Cơ nói.

Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ, tùy theo từng loại vắc xin, sau tiêm có thể có biểu hiện quan ngại: phản ứng dị ứng, có trường hợp biểu hiện phản vệ.

Hiện tại, những biểu hiện phản ứng dị ứng thông thường như nổi mề đay, ngứa nhưng không có biểu hiện khác như tụt huyết áp, khó thở, những triệu chứng này có thể khắc phục, điều trị, người dân có thể hỏi bác sĩ tư vấn.

Còn với phản ứng phụ nguy hiểm, như sốc phản vệ, đông máu, Việt Nam đều có hướng dẫn xử lý chi tiết, có chiến lược khám sàng lọc, tổ chức tiêm để phòng ngừa những nguy cơ này. Theo đó, tại các điểm tiêm đều có bác sĩ có kinh nghiệm về chuyên ngành hồi sức cấp cứu, có điều dưỡng được đào tạo chuyên ngành này để xử trí tại chỗ khi xảy ra tình huống.

Ngoài ra, sau tiêm, người bệnh cần chủ động theo dõi các dấu hiệu cảnh báo.

Mới nhất, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn tiêm phòng vắc xin Covid-19, phân loại người đi tiêm phòng thành 4 nhóm: Người đủ điều kiện, người cần thận trọng, đối tượng phải trì hoãn và nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19.

Người đủ điều kiện tiêm bao gồm:

- Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

- Người không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc tá dược trong thành phần của vắc xin.

- Người không thuộc 3 nhóm còn lại.

Người cần thận trọng:

Những trường hợp này cần được khám sàng lọc kỹ và tiêm tại cơ sở y tế đủ năng lực hồi sức cấp cứu.

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi.

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu hay rối loạn đông máu.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường về mạch, huyết áp, nhịp thở.

Người phải trì hoãn tiêm gồm:

- Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.

- Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Bệnh nhân từng mắc Covid-19 trong 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Người không được tiêm:

- Người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

- Người chống chỉ định theo công bố của nhà sản xuất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm