Người bác sĩ tiên phong cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng

Nam Phương

(Dân trí) - Kỹ thuật nội soi cắt tuyến giáp tại nước ta có bước tiến vượt bậc khi phẫu thuật qua đường miệng. Bác sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện là GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương.

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) là một trong số 16 tập thể, cá nhân được lựa chọn vinh danh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam 2023". Là một trong những giáo sư đầu ngành về ung thư tại nước ta, ông cũng là người đã không ít lần ghi danh Việt Nam trên bản đồ y khoa trong nước và thế giới.

26 năm trước, ở tuổi 25 tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ nội trú Lê Văn Quảng đã quyết định chọn phẫu thuật ung thư.

Với ông, khoảng thời gian học nội trú là những ký ức khó quên. Đó là 3 năm ông lăn lộn trong bệnh viện 24/24 giờ để học trong lúc làm, lúc chăm sóc bệnh nhân.

Người bác sĩ tiên phong cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng - 1

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Ảnh: Nam Phương).

Và quãng thời gian ông theo đuổi chuyên khoa phẫu thuật đầu mặt cổ lại càng gian nan hơn. Bởi mổ ung thư đầu mặt cổ thực sự khó, vì giải phẫu phức tạp, vì các cơ quan vùng đầu mặt cổ rất quan trọng.

"Nếu không may chạm vào mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời", GS Quảng chia sẻ. Hiểu được con đường này khó khăn thế nào, vì thế ông luôn trân trọng những người học trò của mình. Vì ông biết lựa chọn con đường này là một lựa chọn liều lĩnh.

Vừa làm bác sĩ trực tiếp mổ, ông vừa làm thầy của các thế hệ bác sĩ tương lai. GS Quảng cùng với những học trò của mình đã có công trình nghiên cứu khoa học "Giá trị của sinh thiết hạch cửa trong ung thư tuyến giáp" đăng trên tạp chí ung thư quốc tế Journal Surgical Research.

Bài báo này được giải 3 ở Hội nghị quốc tế về ung thư tuyến giáp tại Nhật Bản năm 2017. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam, hiện được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Nó giúp phát hiện di căn tiềm ẩn với độ chính xác cao đối với những bệnh nhân không phát hiện di căn hạch trước mổ. 

Ưu điểm của kỹ thuật này là xác định bệnh nhân ung thư tuyến giáp có hạch âm tính để có thể tránh được việc vét hạch dự phòng không cần thiết, giúp tránh tỷ lệ biến chứng do vét hạch cổ gây ra. Nó cũng cho phép phát hiện sớm di căn hạch, từ đó có thể đưa ra chính xác liều điều trị iod phóng xạ. 

Mỗi ca mổ là một cuộc chiến

"Điều khó nhất trong phẫu thuật đầu cổ là cắt toàn bộ tuyến mang tai, bảo tồn dây thần kinh số 7. Các bác sĩ trẻ đã làm được tất cả những ca khó nhất tức là đã đạt trình độ phẫu thuật đầu mặt cổ rất tốt. Những người đi trước như tôi có thể hoàn toàn yên tâm vào thế hệ tiếp nối", GS Quảng nói.

Trước khi trở thành nhà quản lý, GS Quảng dành trọn niềm đam mê cho công việc phẫu thuật. Ông đã phẫu thuật hàng nghìn ca bệnh ung thư phức tạp. Có những ca mổ mà phẫu thuật viên cảm thấy thời gian như không tồn tại. Mỗi ca mổ thực sự là một cuộc chiến, người bệnh như người thân của mình.

Người bác sĩ tiên phong cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng - 2

Một ca phẫu thuật cắt tuyến giáp qua đường miệng cho bệnh nhân tại Bệnh viện K (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Hành trình 26 năm làm nghề ông luôn cố gắng áp dụng những kỹ thuật mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trong số đó phải kể đến kỹ thuật cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng. 

Đây là kỹ thuật mới trên thế giới và lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Phương pháp này đem lại lợi ích tối đa cho bệnh nhân phẫu thuật u tuyến giáp, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa an toàn, hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn. 

Phẫu thuật này đánh dấu bước phát triển mới về phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam và được quốc tế công nhận. Đến nay, GS Quảng đã có 20 bài báo chuyên sâu về phẫu thuật này được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. 

Mới đây nhất, ông đã được mời báo cáo về kỹ thuật này tại Hội nghị Đầu cổ Thế giới năm 2023 diễn ra tại Rome, Italia. 

Năm 2020, GS Quảng chính thức nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện K. Và đó cũng là khoảng thời gian đầy thử thách với ông khi dịch Covid-19 bùng phát. 

Những năm 2020-2022, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, Bệnh viện K cũng gặp nhiều thách thức. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử gần 100 năm hình thành và phát triển cả 3 cơ sở phải tạm dừng khám chữa bệnh phục vụ công tác phòng chống dịch. 

Với ông những ngày tháng đó là cuộc chiến vô hình khi tất cả cùng gồng sức để đối mặt với kẻ thù mang tên SARS-CoV-2 với tâm niệm bằng mọi giá để không gián đoạn lâu việc cứu chữa người bệnh.