Bình Định:

Ngư dân nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" sau tai nạn trên biển

Doãn Công

(Dân trí) - Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus (còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người") khi bị tai nạn trên biển.

Ngày 15/3, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết sau hơn nửa tháng tích cực điều trị, bệnh nhân L.C. (57 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus hiếm gặp (còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người") đã ổn định sức khỏe và xuất viện.

Ngư dân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau tai nạn trên biển - 1
Ông L.C. sau khi được điều trị thành công (ảnh: Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cung cấp).

Theo hồ sơ bệnh án, trong lúc đánh cá, bệnh nhân C. va phải cạnh sắc của thuyền thúng đánh cá làm chảy máu mặt trước cẳng chân trái. Hai ngày sau, bệnh nhân xuất hiện vùng hoại tử màu đen ở vùng vết thương kèm một vài bọng nước màu nâu đen kích thước 4x5 cm phân bố quanh vùng vết thương cẳng chân trái. Bệnh nhân có sốt, nhưng không đau bụng, không tiêu chảy.

Khi đến Bệnh viện Phong - Da Liễu Trung ương Quy Hòa, bệnh nhân C. trong tình trạng tỉnh, mệt nhiều, đau đầu, chóng mặt, kèm thương tổn lan rộng cẳng chân trái gồm: bọng nước xuất huyết, sưng đau cẳng chân, mảng bầm máu kèm thương tổn hoại tử lan rộng đến gót chân.

Xác định bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng da nặng do nhiễm Vibrio Vulnificus, bệnh viện tập trung hồi sức tích cực cho bệnh nhân.

Sau 24 giờ điều trị, bệnh nhân C. thoát sốc, huyết áp luôn giữ ổn định. Sau 6 ngày điều trị, thương tổn bầm máu lặn dần, thương tổn hoại tử khô, không xuất hiện bọng nước mới hay thương tổn thứ phát.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, đây là ca bệnh hiếm gặp, khó điều trị, đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa. Điều trị bệnh chủ yếu dùng nhiều kháng sinh mạnh kết hợp cắt lọc mô hoại tử, đồng thời chăm sóc, thay băng vết thương hằng ngày.

Vibrio Vulnificus là loại vi khuẩn sống ở biển, được tìm thấy chủ yếu ở các vùng nước ấm ven biển. Chúng hay ký sinh trong các loại hải sản như tôm, ốc, cá biển…

Ngư dân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau tai nạn trên biển - 2
Bàn chân ông C. sau 6 ngày điều trị (ảnh: Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa cung cấp).

Vi khuẩn Vibrio Vulnificus có khả năng gây bệnh từ nhẹ đến nặng, từ viêm dạ dày ruột đến sốc nhiễm trùng. Vibrio Vulnificus gây ra 1 trong 3 hội chứng riêng biệt: viêm dạ dày-ruột, nhiễm trùng huyết tiên phát và nhiễm trùng vết thương với tỉ lệ tử vong cao. Tình trạng nhiễm trùng nặng thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính, suy giảm miễn dịch, các bệnh gây thừa sắt trong cơ thể.

Mặc dù có nhiều người có nguy cơ phơi nhiễm với Vibrio Vulnificus nhưng số trường hợp mắc bệnh liên quan đến vi khuẩn này tương đối ít. Đường lây bệnh chủ yếu là từ thức ăn hải sản sống, chưa được nấu chín, hoặc từ đường tiếp xúc trực tiếp qua vết thương hở khi lội nước, đánh bắt, xử lý hải sản nhiễm bệnh…

Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan lưu ý thêm: Để tránh nhiễm bệnh cần ăn chín uống sôi, không ăn hải sản tươi sống, mang đồ bảo hộ khi xử lý, chế biến hải sản, tránh tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là những người có bệnh lý mãn tính. Khi có dấu hiệu bất thường cần tới ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị để tránh những biến chứng có thể xảy ra và gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.