Ngồi xổm nhiều dễ thoái hóa khớp gối

(Dân trí) - Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Tôn Đức Thắng cho thấy cứ 3 người Việt trên 40 tuổi thì có 1 người bị viêm khớp xương ở vị trí gối (còn gọi là thoái hóa khớp gối).

Nghiên cứu này mới được công bố trên tạp chí PLoS ONE: “Prevalence of Radiographic Osteoarthritis of the Knee and Its Relationship to Self-Reported Pain”.

Viêm khớp xương (osteoarthritis - OA) là bệnh với đặc tính chính là khớp xương bị thoái hóa và có biểu hiện tổn thương viêm tại chỗ. OA xảy ra khi sụn bọc đầu xương bị mòn theo thời gian. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ xương nào trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở đầu gối, bàn tay, hông, và cột sống.
 
Bệnh nhân bị OA thường có triệu chứng đau tại khớp, cử động khó khăn, và suy giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh phổ biến ở người cao tuổi, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu nhằm đánh giá quy mô của bệnh.
 
 Bà con tiểu thương là một trong những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối vì ngồi xổm nhiều

 Bà con tiểu thương là một trong những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối vì ngồi xổm nhiều

Nghiên cứu của trường ĐH Tôn Đức Thắng tập trung vào OA khớp gối. Nghiên cứu được thực hiện trên 650 nam và nữ tuổi từ 40 trở lên. Kết quả cho thấy 34% nam và nữ bị OA khớp gối. Ở những người trên 60 tuổi, tần suất mắc bệnh tăng trên 60%. Với dân số hiện nay, ước tính Việt Nam có khoảng 3,8 triệu người bị OA khớp gối. Con số này sẽ còn gia tăng trong tương lai vì dân số Việt Nam đang lão hóa nhanh.

Các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ này tương đương với kết quả nghiên cứu trước đây ở Trung Quốc và một số quần thể người da trắng.

Tuy nhiên, khác với các nghiên cứu trên thế giới, nghiên cứu của trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ ra 2 yếu tố nguy cơ liên quan chặt chẽ đến OA khớp gối, bao gồm tăng cân và đau khi ngồi xổm. Có khoảng 40% nữ và 10% nam than phiền đau khi ngồi xổm. Ở những người này nguy cơ OA khớp gối tăng đến 41%.

Bs Hồ Phạm Thục Lan, đồng trưởng Nhóm nghiên cứu Xương và Cơ thuộc trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Tuy chúng ta không thể quay ngược thời gian để trẻ hóa, nhưng chúng ta có thể duy trì một trọng lượng tối ưu và luyện tập thể dục đều đặn để giảm sự căng thẳng cho khớp xương. Cần chú ý, nếu bị đau khi ngồi xổm thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn”.

Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm