Ngoài 60 tuổi, nhiều người già bệnh chồng bệnh

Hồng Hải

(Dân trí) - Trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.

Chiều 4/10, tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V do Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức ngày 4-5/10, PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong 10 năm qua, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng.

Đến nay, Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011. Năm 2021, nước ta có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số) và ngày càng tăng nhanh.

Ước tính vào năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số.

Ngoài 60 tuổi, nhiều người già bệnh chồng bệnh - 1

PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Ảnh: P.V).

"Già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế.

Trong khi đó, trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Ngoài bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn có sức khỏe yếu kém phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người chăm sóc, dụng cụ hỗ trợ trong cuộc sống.

Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc. Hiện Việt Nam rất thiếu bác sĩ chuyên ngành lão khoa, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi", PGS.TS Trung Anh thông tin.

Số người già cần chăm sóc y tế tăng lên, trong khi nhân lực, bác sĩ chuyên ngành lão khoa còn thiếu, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cơ sở y tế.

Ngoài 60 tuổi, nhiều người già bệnh chồng bệnh - 2

Một giờ hoạt động của bệnh nhân sa sút trí tuệ tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Ảnh: B.V).

Theo Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho người cao tuổi.

Trong khi đó, ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, người 80 tuổi vẫn khỏe, vẫn tập thể dục, thể thao hàng ngày. Và từ rất sớm, các nước này đã tập trung vào vấn đề chăm sóc người cao tuổi.

Họ chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, họ có điều kiện giáo dục cho người cao tuổi biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các báo cáo viên đã tập trung vào chính sách về xây dựng và phát triển hệ thống Lão khoa và cập nhật những hướng đi mới trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua những bài báo cáo và chia sẻ từ các chuyên gia y tế đầu ngành tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Đặc biệt, nhằm tăng cường nguồn nhân lực y tế cho chuyên ngành Lão khoa, các chuyên gia sẽ cùng trao đổi, thảo luận về việc xây dựng khung chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành này; thảo luận về hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi với sự tham gia của Công tác xã hội và Điều dưỡng lão khoa.

Các nội dung chuyên ngành về dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi như sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, Parkinson... cũng được thảo luận, trao đổi.