1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngõ góa bụa trong làng ung thư

Chỉ trong vòng 5 năm, xóm 2, xã Tăng Thành (Yên Thành, Nghệ An) có đến 20 người chết vì ung thư. Riêng ngõ nằm giữa xóm 2, dài không đầy 200m nhưng đã có 4 đến 5 căn nhà có chồng, cha chết vì ung thư.

Trẻ già đều bị bệnh

 

Qua con đường đất toàn ổ gà đầy khói bụi, chúng tôi tìm đến xóm 2, xã Tăng Thành. Đưa chúng tôi đến từng nhà có người bị ung thư trong xóm, ông Hoàng Thanh Hoàn, Bí thư chi bộ xóm 2 trăn trở: “Không hiểu vì sao những năm gần đây, làng tôi có nhiều người ung thư đến thế. Năm năm qua trong xóm nhỏ này có đến 20 người chết vì ung thư!”.

 

Riêng ngõ nằm giữa xóm 2, dài không đầy 200m nhưng đã có 4 đến 5 căn nhà có chồng, cha chết vì ung thư. Có người gọi đây là ngõ góa bụa. Ông Phạm Xuân Huệ bị ung thư hạch sau chuyển sang ung thư gan. Sau một năm điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, ông qua đời đầu tháng 1/2010. Ông Huệ về với đất để lại cho bà Huệ mẹ già hơn 90 tuổi quanh năm đau yếu cùng 5 người con, trong đó có 2 đứa đang học đại học, cao đẳng. Bà Lê Thị Lịch, vợ ông Huệ đang phải gánh một khoản nợ không nhỏ.

 

Gia đình anh Hồ Sỹ Minh, xóm trưởng xóm 2 chưa hết đau buồn khi hai người anh trai là Hồ Sỹ Thành và Hồ Sỹ Trợ cũng vừa chết vì ung thư.

 

Chị Ngô Thị Phương (28 tuổi), nhập viện tháng 12-2010 do bị ung thư máu. Hai đợt ra Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để điều trị gia đình chị đã tiêu hết gần 100 triệu đồng. Chị Phương đang nằm ở nhà với khuôn mặt xanh xao, trắng bệch.

 

Bà Trần Thị Thế, mẹ chị Phương phân trần: “Theo phác đồ điều trị thì phải truyền 6 đợt hóa chất, sức khỏe của con tui tuy có khá hơn trước nhưng lúc nào cháu cũng kêu đau đầu, chóng mặt vì thiếu máu. Gia đình tui giờ không biết đào đâu ra tiền cho cháu điều trị. Tôi đã nợ ngân hàng đến 60 triệu đồng”.

 

Ngõ góa bụa trong làng ung thư - 1

Sự sống của Trang giờ chỉ còn tính bằng ngày

Em Trần Hoàng Vân Trang (16 tuổi), bị ung thư hạch. Bố mẹ ly hôn từ cuối năm 2008. Một lần đi học về, Trang kêu mỏi chân nhưng mẹ em nghĩ đi xa về bị căng cơ nên cũng không để ý. Sau đó, càng ngày em càng đau. Gia đình đưa Trang ra bệnh viện K Hà Nội điều trị suốt 3 năm trời nhưng bệnh của Trang không những không thuyên giảm mà kéo theo tình trạng sức khỏe mỗi lúc một yếu đi. Kinh tế kiệt quệ, gia đình đưa Trang về, không còn hy vọng...

 

Hiện giờ, cuộc sống của Trang chỉ còn được đếm từng ngày và đành dang dở ước mơ khi em đang là học sinh xuất sắc của trường THCS chuyên Bạch Liêu (Thị trấn Yên Thành), 7 năm liền em là học sinh xuất sắc. “Một mình tui không thể cáng đáng nổi, may mà nhà có 5 đứa em gom góp chi cho tui chăm sóc cháu, giờ cuộc sống của cháu chỉ còn tính từng ngày!”, chị Hoàng Thu Hà, mẹ của Trang nói.

 

Nguyên nhân còn bỏ ngỏ

 

Xóm 2, xã Tăng Thành được thành lập năm 1976, đây là một xóm thuần nông gồm 216 hộ với 930 nhân khẩu. Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành cũng được thành lập ở đây năm 1976.

 

Những trường hợp chết vì ung thư tại xóm 2, Tăng Thành phần lớn còn khá trẻ, cao nhất là 60 tuổi, còn lại chủ yếu từ 45 đến 50. “Người dân làm nông nghiệp nên trình độ dân trí, hiểu biết về y tế, sức khỏe còn thấp nên không thể phát hiện được bệnh sớm, đến khi biết bệnh thì đã muộn, chữa trị được vài ba tháng là chết”, ông Hoàng Thanh Hoàn cho hay.

 

Cũng ông Hoàn cho biết, đang soát lại danh sách chi tiết những người mang bệnh và đã chết vì ung thư để báo cáo lên cấp trên có giải pháp tìm hiểu nguyên nhân xử lý.

 

Trong xóm có khoảng 30 hộ sinh sống gần khu vực phía dưới bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành. Được biết, mấy năm trở lại đây, hệ thống hố ga xử lý nước thải của bệnh viện đã bị hỏng và nước xả thải cứ theo đó tràn xuống ruộng vườn của người dân ở đây.

 

Qua khảo sát, những giếng nước của các hộ dân cạnh bệnh viện, mức độ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt rất đáng lo ngại, nhiều hộ dân từ lâu đã không dám dùng nước giếng để tắm giặt, ăn uống. “Ngày bình thường còn đỡ nhưng những ngày mưa to, nước tràn lênh láng, kim tiêm và băng gạc y tế tràn vào vườn nhà tui mà trông chết khiếp. Người dân chúng tôi có giếng mà không dám rửa mặt”, ông Hà Văn Chung, sống gần bệnh viện bức xúc.

 

Ông Hoàng Thành Long, Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Về vấn đề bệnh viện Đa khoa Yên Thành xả chất thải ra môi trường là có thật. Nhưng hiện trạng làng ung thư, đến thời điểm này, xóm 2 và UBND xã Tăng Thành chưa có phản ánh gì. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng này để có câu trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất!”.

 

Theo Trường Văn - Duy Ngợi

Tiền phong