Ngộ độc hàng loạt từ một vết đứt tay
150 hành khách của một chuyến bay từ New York (Mỹ) đến Copenhagen (Đan Mạch) đã đồng loạt ngộ độc. Kết quả điều tra phát hiện tai nạn này bắt nguồn từ một vết đứt tay của người đầu bếp.
Vào một ngày hè oi bức cách đây 20 năm, chiếc máy bay chở khách từ New York theo lộ trình hạ cánh xuống sân bay Alasca để rồi lại bay tiếp tới Copenhagen. Các tiếp viên của hãng hàng không Alasca đã chu đáo đưa các suất ăn sáng được chuẩn bị sẵn tới phục vụ hành khách. Món ăn gồm bánh mỳ, thịt chân giò hun khói và trứng tráng.
Sau 3 giờ ăn uống và nghỉ ngơi, máy bay lại tiếp tục lên đường bay tới thủ đô Đan Mạch. Một giờ sau, máy bay vẫn bay bình thường. Nhưng sau đó bỗng nhiên trong khoang hành khách xảy ra hiện tượng lạ: có nhiều người lao xao rên la, tiếp theo là tất cả 150 hành khách đều đổ bệnh nhăn nhó, đau quặn bụng, nôn mửa và tiêu chảy...
Tất cả nhân viên phi hành đoàn cũng bị như vậy. Viên phi công đang lái máy bay phải cắn răng chịu đựng, cố nén nhịn các triệu chứng khó chịu, giữ tay lái an toàn tránh cho máy bay khỏi rơi vào thảm họa. Tình thế lúc đó rất nguy kịch, chẳng khác gì một vụ khủng bố. Phi trưởng không còn cách nào khác là xin hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay gần nhất... Thật may mắn, máy bay đã tiếp đất an toàn.
Ngay lập tức, những hành khách bị nặng được xe cứu thương chuyển ngay vào bệnh viện cấp cứu. Những bệnh nhân nhẹ thì được nhân viên y tế chữa trị và chăm sóc ngay tại sân bay. Phải sau hơn 8 giờ đồng hồ, toàn bộ hành khách và tổ lái mới bình phục, máy bay lại được phép tiếp tục cuộc hành trình.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo hãng hàng không Alasca lập tức mở cuộc điều tra khẩn cấp. Nguyên nhân tai họa được mau chóng xác định là do nhiễm độc thức ăn bởi khuẩn tụ cầu vàng. Bếp trưởng David Slayt khi thao tác chế biến thực phẩm vô ý làm đứt nhẹ ở một ngón tay, nhưng do chủ quan nên chỗ bị thương đã mưng mủ. David vẫn làm việc chế biến món ăn một cách bình thường.
Tụ cầu khuẩn vàng từ ngón tay mưng mủ đã gây ô nhiễm món chân giò hun và sau một đêm bảo quản món ăn, tụ cầu đã phát triển rất nhanh chóng với số lượng lớn, tiết ra nhiều độc tố để gây ngộ độc hàng loạt người trên chuyến bay đó. Quá day dứt về sơ suất của mình, hơn một tuần sau, David đã dùng súng bắn vào đầu tự sát tại nhà riêng.
Trên đây là một vụ ngộ độc thức ăn do tụ cầu khuẩn vàng (staphylococcus aureus) rất điển hình. Đó là những vi khuẩn có hình cầu, xem trên kính hiển vi thấy tụ cầu từng chùm như chùm nho, khi nuôi cấy trên môi trường cứng (thạch nước thịt), nó có sắc tố vàng cam.
Tụ cầu khuẩn có rải rác trong tự nhiên: trong đất, nước, không khí, trên da và nhất là trong họng, ổ viêm mủ. Song chỉ tụ cầu vàng mới sinh ra độc tố gây ngộ độc. Đó là loại độc tố ruột, chịu được nhiệt (đun sôi 30 phút chưa bị phá hủy), môi trường acid (pH=5) và rượu. Ở nhiệt độ thấp, nó duy trì được tính độc trên hai tháng.
Thời gian ủ bệnh của tụ cầu khuẩn vàng ngắn hơn thời gian ủ bệnh của nhóm vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thức ăn khác, chỉ 1-6 giờ (trung bình 2-3 giờ). Khi bệnh phát, bụng quặn đau, bệnh nhân buồn nôn và nôn liên tục, kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, nhiệt độ cơ thể vẫn bình thường. Thỉnh thoảng có trường hợp bị nhức đầu, vã mồ hôi, co giật cơ, hạ huyết áp, mạch yếu. Trẻ em dễ bị ngộ độc hơn và bệnh cũng nặng hơn người lớn. Nói chung phần lớn tình trạng này kéo dài khoảng 1-2 ngày rồi khỏi.
Thực phẩm bị ô nhiễm tụ cầu khuẩn do nhiều nguyên nhân. Tụ cầu khuẩn vàng từ người và bò khi phát triển ở thức ăn là dễ sản sinh ra độc tố ruột nhất. Ở 12-15 độ C, tụ cầu phát triển chậm. Ở 20-22 độ C, chúng phát triển nhanh; ở 37 độ C thì rất nhanh. Thời gian để thức ăn ô nhiễm tụ cầu càng kéo dài thì số lượng tụ cầu sinh sôi nảy nở càng nhiều gấp bội và số lượng độc tố sinh ra càng lớn. Những thức ăn có hàm lượng nước cao, nhiều glucid hay lipid và protein thì tụ cầu dễ bài xuất độc tố. Nhiệt độ càng cao, thời gian hình thành độc tố ruột càng ngắn.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống