Ngộ độc do uống paracetamol

(Dân trí) – Tin từ Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, trong tuần từ qua, trung tâm đã điều trị cho ba bệnh nhân ngộ độc paracetamol. Hai ca đã được ra viện, còn lại một ca đang phải tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Bế Hồng Thu cho biết, bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm là Đỗ Thị T. (23 tuổi, Hoàng Mai, HN). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, T. vốn bị bệnh tâm thần, hoang tưởng, ảo giác. Chán nản vì bệnh tật, T. không muốn sống nên đã tìm tới thuốc paracetamol để tự tử.

 

Theo bác sĩ Thu, ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên. Trên thế giới, ngộ độc paracetamol đứng hàng đầu trong các nguyên nhân ngộ độc do thuốc. Ở Việt Nam, ngộ độc paracetamol đứng hàng thứ ba sau thuốc ngủ và thuốc an thần.

 

Nguyên nhân gây ngộ độc paracetamol đa số là do dùng nhiều thuốc để tự tử, còn một số ít dùng điều trị nhưng quá liều. Tức là khi bị sốt, đau đầu, đau người, đau khớp… người bệnh uống một loại thuốc có chứa biệt dược paracetamol không thấy đỡ, liền uống một loại thuốc khác mà không hề biết thuốc đó cũng chứa loại biệt dược này… Mà trên thị trường có tới 200 loại thuốc có biệt dược paracetamol như: paradon, pamin….

 

BS Thu cảnh báo: “Paracetamol đã trở thành loại thuốc hạ sốt dùng quá phổ biến, và chính sự phổ biến này khiến tình trạng ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên”.

 

Rất khó khăn để nhận biết được dấu hiệu ngộ độc paracetamol do các biểu hiện lâm sàng rất nghèo nàn, khó phát hiện. Những người bị rất nặng cũng chỉ biểu hiện là đau vùng thượng vị, chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải…tổn thương nặng nhất là bị suy gan.

 

Còn trong vòng ngày đầu thường không biểu hiện triệu chứng. Ngay cả đi khám bệnh bác sĩ cũng rất dễ bỏ sót triệu chứng này, vì vậy, phát hiện các ca ngộ độc paracetamol phần lớn là muộn.

 

Ở VN, tỷ lệ bệnh nhân bị suy gan do ngộ độc paracetamol chỉ khoảng 4 – 5% và thường gặp ở những người có tiền sử viêm gan mãn tính. Còn phần lớn, sau khi được rửa dạ dày, dùng thuốc giải độc đúng quy cách bệnh nhân trở lại trạng thái sức khoẻ ban đầu, không bị ảnh hưởng tới gan.

 

BS Thu cho biết, những đối tượng có nguy cơ ngộ độc paracetamol cao là những người nghiện rượu, người có tiền sử bệnh gan, người đang dùng thuốc động kinh, người suy dinh dưỡng, gầy còm… Những đối tượng này thậm chí chỉ dùng 3 – 4g paracetamol/ngày đã gây ngộ độc. Trong khi đó, liều dùng tối đa của người lớn là 3g/ngày. Còn nếu trẻ sốt cao, từ 38,5oC trở lên có thể dùng paracetamol nhưng không được dùng quá 15mg/kg cân nặng/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày.

 

Hồng Hải