Nghiên cứu ở TPHCM: Chồng học vấn thấp có thể khiến vợ mang thai "trầm cảm"
(Dân trí) - Nhóm nghiên cứu cho biết, đa số người chồng trình độ học vấn thấp, đang ở tuổi vị thành niên hoặc có thai ngoài ý muốn là những yếu tố ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của phụ nữ mang thai.
Tại hội nghị khoa học kỹ thuật các bệnh viện trong khối thi đua 8 năm 2022 (trực thuộc Sở Y tế TPHCM), diễn ra ngày 29/10, nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 đến trầm cảm của phụ nữ mang thai đến khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã được chia sẻ.
Nghiên cứu do Lê Hoàng Oanh (học viên cao học tâm lý, Đại học Sư Phạm TPHCM), bác sĩ Nguyễn Thị Hương Lan (khoa Phụ Sản, Bệnh viện Lê Văn Thịnh) và tiến sĩ Lê Minh Thuận (giảng viên Đại học Y Dược TPHCM) thực hiện.
Chồng trình độ học vấn thấp, vợ mang thai ảnh hưởng tâm lý
Theo nghiên cứu trên, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ sẽ trải qua những thay đổi về thể chất và tâm lý. Những yếu tố dễ bị tổn thương có thể thúc đẩy sự phát triển của các tình trạng sức khỏe tâm thần.
Đại dịch Covid-19 tạo ra những thay đổi mới trong thói quen của toàn xã hội, đặc biệt là về thói quen lối sống. Từ tháng 11/2020 đến tháng 9/2021, trên thế giới có khoảng 31 nghiên cứu (tổng cộng hơn 30.000 bà mẹ) về các động tâm lý liên quan đến đại dịch Covid-19 với phụ nữ mang thai. Kết quả cho thấy, có sự gia tăng mức độ trầm cảm, lo lắng và căng thẳng trong đại dịch ở nhóm đối tượng này.
Với nghiên cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM, nhóm nghiên cứu chọn được 287 phụ nữ mang thai đến khám tại khoa Sản từ ngày 4/3 đến ngày 7/4. Qua khảo sát, có 151 người cho biết, thai kỳ lần này có nằm trong kế hoạch (chiếm hơn 52%). Có 22% trường hợp đã từng sẩy thai, 9,8% từng phá thai. Có 3,5% cặp vợ chồng từng gặp vấn đề hiếm muộn và 2,4% đã từng trải qua rối loạn trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu chia sẻ, khi mang thai, phụ nữ có thể trải qua một loạt các thay đổi về thể chất và tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của họ. Đa số người chồng trình độ học vấn thấp, đang ở tuổi vị thành niên hoặc có thai ngoài ý muốn là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của phụ nữ mang thai.
Theo kết quả nghiên cứu, trong 287 phụ nữ mang thai đến khám tại bệnh viện không có sự khác biệt về các yếu tố tâm lý nhận thức của thai phụ bị Covid-19 so với thai phụ không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, về nhận thức đến việc ghi nhớ, nhiều thai phụ có thay đổi rất hay quên hơn trước đây. Hành vi hay cáu kỉnh, bực bội ở phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cũng nhiều hơn phụ nữ mang thai chưa nhiễm bệnh.
Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến thai phụ?
Đại dịch Covid-19 đã làm tăng thêm căng thẳng cho phụ nữ trong thời kỳ chu sinh và các triệu chứng lo lắng và trầm cảm tăng cao do xa lánh xã hội, sợ hãi về virus cũng như những bất ổn liên quan đến Covid-19.
Những yếu tố chính gây ra căng thẳng tâm lý đã được xác định, đó là: thời gian bị cách ly, sợ lây nhiễm khi ở nơi công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi sinh tại bệnh viện, thông tin không đầy đủ dẫn đến những suy nghĩ lặp đi lặp lại, trầm cảm, thậm chí ám ảnh. Ngoài ra, thông tin giả được truyền thông qua mạng xã hội đã làm gia tăng suy nghĩ bi quan ở phụ nữ mang thai.
Khi thai phụ duy trì sự hài lòng với chồng, có trình độ học vấn cao, hỗ trợ xã hội cao, duy trì hoạt động thể chất và mức thu nhập cao là những yếu tố có thể làm giảm mức độ trầm cảm. Nguy cơ trầm cảm cũng giảm xuống khi có các công cụ cung cấp thông tin do bệnh viện cung cấp.
Nhóm nghiên cứu kết luận, việc tham vấn trị liệu, giao tiếp và chăm sóc tiền sản định kỳ cho phụ nữ mang thai rất quan trọng, để tránh gia tăng mức độ trầm cảm và lo lắng, căng thẳng. Mặt khác, nên thực hiện trắc nghiệm phát hiện các vấn đề tâm lý (EPDS), thúc đẩy các chương trình nâng cao sức khỏe.
Một chiến lược khác là cung cấp các nguồn thông tin sức khỏe tâm lý trực tuyến và liệu pháp tâm lý từ xa, để điều trị các vấn đề tâm lý cho phụ nữ trong thời kỳ trước và sau sinh.