Nghịch pháo, nam sinh 15 tuổi bị cắt cụt tay phải

Nam Phương

(Dân trí) - Đang nằm điều trị tại khoa Chấn thương, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nam sinh 15 tuổi khiến các y bác sĩ không khỏi xót xa vì trẻ bị cắt cụt 1/3 tay, không còn chức năng cầm nắm.

Chưa hết bàng hoàng sau tai nạn bất ngờ, T.Đ.T.A. (học lớp 9, Nghệ An) kể lại với giọng thều thào: "Ngày mùng 2 Tết, cháu nhặt được ngoài đường quả pháo người ta tự chế nên mang về nhà đốt. Không ngờ quả pháo phát nổ sau đó cháu không biết gì".

Nghịch pháo, nam sinh 15 tuổi bị cắt cụt tay phải - 1

Trẻ nhập viện trong tình trạng dập nát toàn bộ cẳng tay phải, lộ cả xương (Ảnh: N.P).

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết, sau khi sơ cứu ở tuyến dưới, trẻ được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Trẻ nhập viện trong tình trạng dập nát toàn bộ cẳng tay phải, lộ cả xương. Điều đáng tiếc là dù đã rất cố gắng các bác sĩ cũng không thể cứu được bàn tay cho trẻ.

"Trẻ bị cắt cụt 1/3 tay dưới, tay không còn chức năng cầm nắm, chỉ còn khủyu vận động. Vì là tay phải nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của trẻ sau này", BS Tiến bùi ngùi chia sẻ.

Cũng gặp tai nạn do pháo nổ nhưng T.T.Đ. (13 tuổi, Nghệ An) may mắn hơn vì chỉ mất 3 ngón tay ở bàn tay phải, nên trẻ vẫn có khả năng cầm nắm dù khó khăn. Cánh tay phải được băng bó kín, giữ bất động vì chỉ cần cựa nhẹ cũng khiến cậu nhăn nhó vì đau.

"Hôm mùng 1 Tết, cháu nhặt được quả pháo ngoài đường nên mang về chơi. Lúc đầu cháu nghĩ quả pháo bị xịt nên lăn qua lăn lại chơi, không ngờ quả pháo phát nổ. Lúc đấy, cháu đau lắm", Đ. kể lại.

Nghịch pháo, nam sinh 15 tuổi bị cắt cụt tay phải - 2

T.T.Đ. may mắn hơn bàn tay phải vẫn có khả năng cầm nắm dù khó khăn (Ảnh: N.P).

Trẻ được bố mẹ đưa vào bệnh viện tuyến dưới cấp cứu. Sau khi được cầm máu, tiêm thuốc giảm đau, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.  

Theo thống kê, từ 30 Tết đến sáng mùng 4 Tết, bệnh viện tiếp nhận 22 trường hợp bị tai nạn thương tích liên quan đến pháo nổ. Chỉ riêng từ đêm 30 Tết đến rạng sáng mùng 1, có đến 13 trường hợp cấp cứu do pháo nổ. Chủ yếu các bệnh nhân bị thương ở tay, thường nặng, phải cắt cụt ngón, cá biệt có trường hợp nặng phải cắt cụt tay.

Theo bác sĩ, tai nạn do pháo nổ thường gây ra những chấn thương nặng và rất nặng. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế, người cụt tay, người mù mắt, trong khi tuổi các bệnh nhân thường khá trẻ.

Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Tình trạng chế tạo pháo xảy ra ngày càng nhiều, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Do đó, các bậc phụ huynh, nhà trường cần tăng cường quản lý, có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra cho các em.

Người dân cũng cần tuân thủ chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Theo số liệu của Bộ Y tế, từ 7h ngày 11/2 đến 7h ngày 12/2, cả nước có 53 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 4 ca so với cùng ngày năm ngoái, trong đó 29 người phải nhập viện theo dõi và điều trị.

Như vậy, sau 4 ngày nghỉ Tết, có 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 134 ca so với cùng kỳ Tết năm ngoái.

Đồng thời, ghi nhận bổ sung 1 trường hợp tử vong do pháo nổ vào ngày 9/2 (30 Tết). Nạn nhân 15 tuổi (Duy Xuyên, Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng đa tổn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực - bụng kín, chấn thương nhãn cầu hai bên, vết thương bỏng độ 3,4 toàn thân, diện tích 80%...