Nghịch lý xài sang: nhập hàng trăm tỷ đồng huyết tương ngoại

Việt Nam tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để nhập huyết tương (điều trị các bệnh tay-chân-miệng, máu không đông, băng huyết sau sinh…). Trong khi đó, một lượng lớn huyết tương của người hiến máu tình nguyện phải đổ bỏ. Vì sao?

 

Phí phạm


 Phí phạm

 

Mỗi năm, Bệnh viện (BV) Truyền máu - huyết học TPHCM tiếp nhận đến 200.000 đơn vị huyết tương (mỗi đơn vị tương ứng với 250ml máu toàn phần), nhưng nhu cầu sử dụng thực tế chỉ chiếm khoảng 1/10. PGS-BS Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết - sinh học, BV Truyền máu - huyết học TP.HCM cho biết: “Do không có biện pháp tiêu thụ hết huyết tương nên mỗi năm phải bỏ một lượng lớn huyết tương tồn kho”.

 

Vì sao huyết tương bị phí phạm? Theo các chuyên gia, do khả năng tồn trữ huyết tương chỉ được ba-bốn năm trong tủ trữ lạnh với nhiệt độ âm 80oC; trong khi ở nước ngoài có thể bảo quản đến 10 năm bằng hệ thống lạnh chứa nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 196oC.

 

Từ lượng huyết tương tồn đọng, các quốc gia tiên tiến sản xuất ra nhiều loại thuốc đắt tiền. Chẳng hạn như: Immunoglobulin có giá thị trường hiện nay là 4,2 triệu đồng/lọ 50ml; Albumin có giá 777.000đ/lọ 50ml; thuốc dùng cầm máu có giá 2 triệu đồng/lọ 5-10ml… Việt Nam phải nhập khẩu các loại thuốc trên để điều trị các bệnh đặc hiệu. Bên cạnh đó còn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng.

 

Bộ Y tế đã đưa huyết phẩm Immunoglobulin vào phác đồ điều trị bệnh tay-chân-miệng, nhưng thỉnh thoảng bị “đứt hàng” nhập khẩu, khiến liệu trình điều trị bị xáo trộn. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TPHCM, trong chín tháng đầu năm, cả nước có hơn 100.000 ca tay-chân-miệng.

 

Nếu không có Immunoglobulin, nhiều trẻ mắc bệnh nặng sẽ tử vong. Mỗi bệnh nhi phải sử dụng từ 10 - 15 lọ Immunoglobulin cho một đợt điều trị với giá khoảng 50 triệu đồng. Chưa tính bệnh Kawasaki, thần kinh cơ…, chỉ riêng bệnh tay-chân-miệng, mỗi năm BV Nhi Đồng 1 phải nhập vài chục tỷ đồng huyết phẩm Immunoglobulin.

 

Tương tự, tại BV Truyền máu - huyết học TPHCM, năm 2011 có gần 60.000 người bệnh đến điều trị, trong số này có nhiều bệnh nhân phải bán nhà bán cửa để có tiền mua các chế phẩm từ huyết tương này.

 

Theo PGS. BS Trần Văn Bình, Immunoglobulin là chế phẩm đặc hiệu dùng cho bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, nhiều bệnh nội khoa nặng như: sốt xuất huyết nhiễm trùng nặng; các bệnh tự miễn của hệ thần kinh. Albumin là thuốc đặc hiệu dùng điều trị phỏng, xơ gan cổ trướng, suy nhược. Người bệnh phải sử dụng Albumin kéo dài. Riêng với bệnh phỏng, dù có thể dùng huyết tương tươi chưa thành phẩm, nhưng hiệu quả kém Albumin.

 

Hơn 50% máu thu được là huyết tương

Hơn 50% máu thu được là huyết tương

 

 

Phải đạt chuẩn GMP

 

Để khắc phục tình trạng nhập khẩu thuốc đắt tiền và nguồn thuốc không ổn định, Việt Nam cần phải có trung tâm sản xuất, lưu trữ và phân phối máu và huyết phẩm đạt chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất). Cả nước có đến năm trung tâm truyền máu và huyết học nhưng chưa có cơ sở nào đạt chuẩn GMP được quốc tế công nhận.

 

Tại khu vực Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan đã có các trung tâm truyền máu huyết học đạt chuẩn GMP, nên hàng năm họ trao đổi nguồn huyết tương dư thừa với các nước để nhận lại các loại thuốc thành phẩm từ huyết tương. Trong khi đó, nhiều chuyên gia từ châu Âu, điển hình là Pháp cũng đã “đánh tiếng” sẽ nhận huyết tương “thô” của Việt Nam, với điều kiện phải đạt chuẩn GMP.

 

Theo PGS. BS Trần Văn Bình, chi phí đầu tư cho một cơ sở đạt chuẩn GMP về huyết học chỉ tốn khoảng bốn tỷ đồng. Chuẩn GMP phải được một cơ quan y khoa định chuẩn quốc tế hoàn toàn độc lập giám định, huấn luyện, đào tạo, kiểm nghiệm, cấp chứng nhận và hậu kiểm hàng năm.

 

Khi Việt Nam đã có trung tâm đạt chuẩn GMP thì lúc đó cả nước có thể thiết lập chương trình quản lý huyết tương toàn quốc, chấm dứt tình trạng lưu trữ manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Ngược lại, nếu chưa đạt chuẩn GMP nhưng lại mở rộng các trung tâm truyền máu thì càng lãng phí nguồn huyết tương.

 

Thực tế, lượng huyết tương dư thừa hàng năm phải bỏ đi, trong khi việc vận động người dân hiến máu vô cùng khó khăn. BS Phạm Văn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, cho biết, dù phong trào hiến máu tình nguyện đã hình thành cách đây 18 năm, nhưng đến nay vẫn không có nhiều cải thiện.

 

Theo chuẩn của thế giới thì phải có 2% dân số hiến máu mới tạm đủ ứng cứu khi đất nước xảy ra thảm họa, nhưng hiện Việt Nam chỉ đạt chưa đến 1%.

 

Theo Khoa học & Đời sống/PN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm