1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghẹt thở giây phút cứu người đêm giao thừa ở bệnh viện

Tiếng hú còi của xe cứu thương vang lên. Cổng sắt của bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mở toang. Chiếc xe tiến vào trong. Cửa mở. Một điều dưỡng đẩy chiếc giường đến. Trên xe, một bệnh nhân trùm kín được đưa xuống đi thẳng vào bên trong khoa cấp cứu. Bây giờ là 0g, thời khắc giao thừa giữa năm mới và năm cũ...

Quên giao thừa, quên cả Tết

Nạn nhân là một phụ nữ. Hai chân quấn băng trắng toát. Mặt được đắp bằng tấm gạc thấm máu và lộ ra nhiều vết thâm đen. Hai cánh tay có khá nhiều vết đen và bụng chị nhô lên khá cao - một thai phụ sắp đến ngày sinh nở...

Chị tên Trương Thị Bình, 29 tuổi ngụ tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Theo lời người nhà, chiều 29 Tết, chị quét sân gom lá khô lại một chỗ và đốt rác. Lửa bùng lên. Chị ngồi gần tay cầm cây bới đống rác bất ngờ một tiếng nổ vang lên. Chị ngã ngửa. Mọi người chạy đến.

Chị được đưa đến bệnh viện địa phương. Vết thương khá nặng vượt khả năng của bệnh viện tuyến huyện, chị được chuyển tiếp...

Bệnh nhân Trương Thị Bình
Bệnh nhân Trương Thị Bình

Chị Bình được đưa vào bên trong khoa cấp cứu chưa được bao lâu, bên ngoài có tiếng thét rất to. Một bé trai được đưa xuống xe. Bé mặc quần ngắn, áo đỏ. Trên đầu bé quấn băng. Thằng bé giãy giụa, la hét. Những người có trách nhiệm đã phải dùng dây buột tay chân bé vào thành giường.

Bé là Phạm Thành Nam 12 tuổi ngụ tại huyện Cái Bè (Tiền Giang). Cha của bé cho biết, lúc 19g tối bé đi xe đạp về nhà. Trên đường đi bị một người đi xe máy say khướt đâm vào. Đầu bé bị một vết lõm khá nặng. Từ đó bé bị hốt hoảng la hét liên hồi.

Chúng tôi đứng trước cửa khoa cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khoảng thời gian chừng 30 phút đã có đến hàng chục ca cấp cứu được chuyển đến. Xe đến, người tiếp nhận đẩy giường đến tận xe nhận bệnh. Bệnh nhân lên bàn cân trước khi vào bên trong. Các thủ tục tiếp theo được thực hiện nhanh gọn. Tùy theo bệnh, bác sĩ chuyên khoa trực sẽ khám và cho phương hướng điều trị.

Càng về những ngày cuối năm và trong dịp Tết, lượng bệnh nhân đổ về khoa cấp cứu khá cao. Mỗi ca trực trong thời điểm này được kéo dài đến 12 giờ/ngày. Từ 7g sáng đến 19g và từ 19g đến 7g sáng hôm sau.

Bé Pham Thành Nam giãy giụa la hét trên giường cấp cứu
Bé Pham Thành Nam giãy giụa la hét trên giường cấp cứu

Chúng tôi đã từng đến nhiều bệnh viện lớn, từng chứng kiến cường độ làm việc của các cán bộ và nhân viên y tế chưa thấy nơi nào có nhịp độ làm việc khẩn trương như ở đây. Họ làm việc quên cả thời gian.

Thật tình chúng tôi rất ái ngại khi tiếp xúc với nhân viên y tế của khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy. Không phải họ khó khăn. Không phải họ né tránh. Họ rất sẵn lòng. Nhưng khi chứng kiến họ làm việc một cách quên mình như thế, chúng tôi không nỡ làm gián đoạn công việc.

Một tập thể đã quên tết và đêm nay quên cả giao thừa đã làm nhiều người cảm phục. Phải chăng, y đức của người thầy thuốc đã thể hiện trọn vẹn nơi đây?

Gác lại niềm vui

Đêm giao thừa năm nay, cả ca trực của khoa cấp cứu có tất cả 36 người trong đó có 9 bác sĩ và 22 điều dưỡng.

Những người này đều có thâm niên gắn kết với khoa vào những ngày tết từ nhiều năm nay. Có người đã ăn Tết tại bệnh viện trong suốt 18 năm liền.

Gần đến giao thừa, lượng xe cấp cứu đổ về càng nhiều. Các bác sĩ điều dưỡng càng tất bật hơn. Tiếng loa phóng thanh gọi người nhà đến liên hệ công việc vang lên liên tục.

Các bệnh nhân tại phòng hồi sức tích cực
Các bệnh nhân tại phòng hồi sức tích cực

Ở một góc của khoa, một thanh niên đang nằm thiêm thiếp. Trên người không có vết thương nhưng người nhà của bệnh nhân này đang ký cam kết trước khi đưa nạn nhân vào phẫu thuật.

Theo lời người nhà thuật lại, anh thanh niên này là Nguyễn Tuấn, 23 tuổi ngụ tại huyện Đông Hòa (Phú Yên) là y sĩ vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Phú Yên. Trước Tết vài ngày, trong lần tiệc tùng có uống vài ba ly không may sau đó bị trượt ngã chấn thương sọ não. Bệnh viện tỉnh Phú Yên quyết định mổ nhưng người nhà đã xin chuyển vào Chợ Rẫy.

Bác sĩ Lê Ngọc Huy, trưởng ca trực đã khuyến cáo: "Vào những dịp lễ Tết, mức độ nhậu nhẹt của người dân tăng cao. Do đó, tai nạn giao thông và những tai nạn do rượu xảy ra nhiều hơn. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, khi đã có rượu không nên lái xe và phải cẩn thận hơn trong đi lại".

Theo bác sĩ Huy, trong ca trực của ông chỉ tính đến 22g ngày 29 tết, tức là trước giao thừa 2 giờ, khoa cấp cứu đã tiếp nhận 159 ca trong đó tai nạn giao thông 25 ca. Nếu thường ngày số ca cấp cứu từ 200-250 ca thì ngày tết có khả năng cao hơn nhiều. Những ngày Tết, ca trực phải túc trực 100% nhân sự trong suốt 9 ngày Tết. Tất cả đều nổ lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Như một lời tâm sự, bác sĩ Huy cho biết ông đã có 12 cái Tết trong bệnh viện. Ngày Tết, nhất là thời điểm giao thừa, ai cũng mong muốn sum họp quây quần cùng gia đình nhưng vì nhiệm vụ và nhất là thiên chức của người thầy thuốc mình phải cứu người.

Trong cuộc đời làm bác sĩ - bác sĩ Huy nói tiếp - buồn thì nhiều nhưng vui cũng không ít. Những TNGT ngày Tết đưa đến những thảm cảnh thật đau lòng. Bên cạnh đó, sự sống của nhiều người được các bác sĩ giật lại từ tay tử thần đã là niềm vui bất tận của chúng tôi.

2g sáng ngày mồng 1 Tết, chúng tôi rời khoa cấp cứu. Các xe cấp cứu từ các tỉnh vẫn cứ đổ về đều đặn. Hình ảnh những người làm công tác cứu người cứ lở vởn quanh chúng tôi. Đây mãi mãi là những hình ảnh đẹp, đầy tình người trong cuộc sống vốn rất khó khăn này.

Dồn dập xe cứu thương chuyển viện.
Dồn dập xe cứu thương chuyển viện.
Các bệnh nhân được bác sĩ tiếp đón
Các bệnh nhân được bác sĩ tiếp đón
Lên bàn cân
Lên bàn cân
Quên cả giao thừa và ngày Tết, ca trực đang làm việc
Quên cả giao thừa và ngày Tết, ca trực đang làm việc
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân
Bệnh nhân Nguyễn Tuấn (áo đen) chấn thương sọ não chờ mổ
Bệnh nhân Nguyễn Tuấn (áo đen) chấn thương sọ não chờ mổ
La liệt bệnh nhân nhập viện ngày Tết
La liệt bệnh nhân nhập viện ngày Tết

Theo Trần Chánh Nghĩa

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm