Nghệ nhân ngã gục trên sân khấu: Dấu hiệu cảnh báo bệnh chết người

Minh Nhật Hồng Nhung

(Dân trí) - Trong lúc đang biểu diễn tuồng trên sân khấu, nam nghệ nhân (62 tuổi, Bình Định), đã bất ngờ ngã gục và tử vong sau đó.

Như Dân trí đã đưa tin, tối 5/8 tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên năm 2024. Ông N.T.A. (62 tuổi) đăng ký một vai thi, không quá 30 phút nhưng biểu diễn được nửa trích đoạn thì ngã quỵ xuống sàn.

Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, cho biết dù ông N.T.A. được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sau đó, gia đình đã đưa ông A. về nhà lo hậu sự.

Nghệ nhân ngã gục trên sân khấu: Dấu hiệu cảnh báo bệnh chết người - 1

Nam nghệ nhân tử vong khi đang biểu diễn nghi do đột quỵ tim hoặc não (Ảnh: Bình Định).

Theo bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, với trường hợp của ông N.T.A., nguyên nhân thường do đột quỵ tim hoặc não.

BSCKI Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, đột quỵ thường liên quan đến mạch máu não, ví dụ bệnh nhân bị nhồi máu não, chảy máu não.

Đây là 2 thể phổ biến nhất của đột quỵ não. Bệnh nhân thường không tử vong ngay, mà mất một khoảng thời gian nào đó để các tế bào bị tổn thương, phù nề mất các chức năng ảnh hưởng đến chức năng sống của bệnh nhân.

Với các trường hợp đột tử, BS Dũng đề cập thêm thủ phạm phổ biến là nhồi máu cơ tim.

Nghệ nhân ngã gục trên sân khấu: Dấu hiệu cảnh báo bệnh chết người - 2

BSCKI Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

"Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả 2 nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, dẫn đến tình trạng cơ tim không nhận đủ máu và có khả năng bị hoại tử cơ tim.

Khi một vùng cơ tim chết do thiếu máu, chức năng bơm máu của tim sẽ bị suy giảm hơn trước, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy tim, đột tử", BS Dũng phân tích.

Dấu hiệu nhận diện nguy cơ đột tử

Theo BS Dũng, với đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, thời gian là vàng. Càng được cấp cứu sớm, cơ hội giữ lại mạng sống cho bệnh nhân càng cao.

BS Dũng cho biết, có thể nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc "BE FAST":

- B (Balance - Thăng bằng): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.

- E (Eyesight - Thị lực): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của một hoặc cả 2 mắt.

- F (Face - Khuôn mặt): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

- A (Arm - Cánh tay): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng một lúc.

- S (Speech - Giọng nói): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

- T (Time - Thời gian): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Với các tình trạng tim mạch, bệnh nhân thường có dấu hiệu khó thở, đau tức ngực, rơi vào hôn mê nhanh chóng, sau đó ngừng tuần hoàn diễn ra rất nhanh.

BS Dũng cho biết, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn là rất quan trọng để tiết kiệm từng giây từng phút cho bệnh nhân.

Nghệ nhân ngã gục trên sân khấu: Dấu hiệu cảnh báo bệnh chết người - 3

Theo BS Dũng, mọi người nên có kỹ năng sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn (Ảnh: Thành Đông).

Còn đối với bệnh lý đột quỵ, nên đưa bệnh nhân về tư thế an toàn để tránh tình huống sặc những chất tiết đờm, dãi vào phổi dẫn đến suy hô hấp, và cuối cùng rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng tuần hoàn.

Cùng với đó, hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

"Cách xử trí 2 bệnh lý này khác nhau, chúng ta phải nhận biết được bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ", BS Dũng nhấn mạnh.

Kiểm soát bệnh nền, sinh hoạt khoa học

Theo BS Dũng, các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid... cần kiểm soát tốt bệnh lý nền của mình. Bệnh nhân cần đi khám và duy trì uống thuốc, chế độ sinh hoạt theo khuyến cáo của bác sĩ.

Ngoài ra, BS Dũng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh tật, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ăn chiên rán, thể dục thể thao thường xuyên...

Đối với những người hút thuốc lá nên ngừng hút thuốc vì nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

"Mọi người nên có kỹ năng sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn, vì đây là kỹ năng sơ cứu cho bản thân và người xung quanh", BS Dũng nhấn mạnh.