1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An: Kỳ lạ nơi bệnh nhân đánh bác sĩ chạy “mất dép”

Bệnh nhân (BN) nổi xung tấn công bác sĩ (BS) phải nhập viện cấp cứu, còn chửi bới, lăng mạ Y, BS, nhân viên điều dưỡng (ĐD) là chuyện “thường ngày” ở BV (Bệnh viện) Tâm thần Nghệ An. “Có trường hợp BN dùng đá, gậy tấn công, BS phải mở cửa bỏ chạy”, Thạc sỹ, BS Phan Thị Hoa - Trưởng Khoa cấp cứu chống độc cho hay.

Bệnh viện Tâm thần Nghệ An (đóng tại TP Vinh) mỗi năm điều trị khoảng 4.500 BN nội trú, hàng chục nghìn BN trong cộng đồng
Bệnh viện Tâm thần Nghệ An (đóng tại TP Vinh) mỗi năm điều trị khoảng 4.500 BN nội trú, hàng chục nghìn BN trong cộng đồng

Bác sĩ lao đao vì BN tự tử, bỏ trốn

Chưa hết bàng hoàng, BS Trưởng khoa Phan Thị Hoa kể lại với PV: “Sáng nay, cả khoa nhốn nháo, hoảng hốt khi nhận được tin báo BN Trương Công Th. (22 tuổi, thị xã Thái Hòa), loạn thần do rượu, vừa nhập viện được mấy ngày treo cổ tự tử. Th. dùng khăn quàng cổ treo vào cánh quạt trần trong phòng, vừa thò cổ vào thì nhân viên điều dưỡng phát hiện, hô hoán mọi người chạy tới gỡ ra được.

Một số trường hợp BN tự tử, BS không phát hiện kịp, người nhà không hiểu lại dọa kiện cáo.

Khoa cấp cứu chống độc đón tiếp BN nặng, nguy kịch, những người có ý định tự tử, chống đối không chịu điều trị, không ăn uống. Do đó, công việc ở đây cực kỳ khó khăn, nguy hiểm. BN lên cơn vật vã, 3 – 4 BS, nhân viên y tế phải gồng mình giữ chặt mới khống chế, tiêm thuốc được.

14 năm gắn bó với BV Tâm thần Nghệ An, Thạc sĩ Phan Thị Hoa đã nếm trải đủ cung bậc gian nan của nghề y đặc thù này. “Có trường hợp BN dùng đá, gậy, nấp trong góc tấn công mọi người qua lại, kể cả Y, BS. Chúng tôi buộc phải bỏ chạy, mở cửa cho BN này ra ngoài rồi tính phương án đưa vào lại sau”, BS Hoa nói.

Cách đây mấy năm, ĐD Nguyễn Thị Sen, trong lúc chăm sóc BN, đã bị người này bất ngờ lên cơn, dùng cán chổi vụt tới tấp vào đầu gây chấn thương sọ não khiến chị phải điều trị hàng năm trời.

Điều dưỡng Phan Sỹ Bình trong lúc tiêm thuốc, đã bị bệnh nhân đấm thẳng vào mắt gây bầm tím.

Đặc thù của BV Tâm thần là các khoa đều có ổ khóa 24/24, đề phòng BN bỏ trốn. Có trường hợp BN phải trói chân tay tại giường. Thế nhưng có những BN “cao thủ” dùng dây leo từ cửa sổ bỏ trốn, cả BV lại một phen nháo nhào tìm kiếm.

Trường hợp ông Chu Chí T., nguyên là giảng viên ĐH, bị bệnh loạn thần do rượu, vào ra BV như cơm bữa. “Ông này hở tí là dọa kiện, dọa gọi điện cho Bộ trưởng Y tế, rồi cơ quan chức năng... Nhưng hoàn cảnh rất tội, vợ con bỏ rơi cả, vào đây chúng tôi luôn chu đáo tận tình”, ĐD Nguyễn Thị Ngân tâm sự.

Người nhà đang chăm sóc BN tâm thần.
Người nhà đang chăm sóc BN tâm thần.

Gia đình bỏ mặc

BN tâm thần, chỉ có một số ít là gia đình khá giả, còn lại hầu hết rơi vào tình cảnh hết sức thương tâm. “Anh chị em chúng tôi cùng xác định, do điều kiện đặc thù, trong công việc phải lấy cái Tâm làm đầu, hợp lực chăm sóc, điều trị BN thuyên giảm, khỏi bệnh, coi đó là động lực trong công việc, chất keo gắn bó với BV”, BS CKII Phan Kim Thìn, Giám đốc BV chia sẻ.

Gắn bó với BV đã 26 năm, BS Thìn chứng kiến biết bao cảnh ngộ đau lòng. Đối với những BN quá khó khăn, không ai chăm sóc, Ban giám đốc, Công đoàn cơ quan phải đứng ra thành lập quỹ tình thương, kêu gọi các nhà hảo tâm, anh chị em y BS cũng đóng góp vào, còn nếu bí quá thì phải trích ngân sách, không thể để họ đói rét.

Một số BN được gia đình đưa đến, rồi phó mặc cho BV. Đến khi ổn định, khỏi bệnh, thông báo người nhà đến nhận nhưng họ không đến. “Cực chẳng đã chúng tôi phải chở về địa phương, nhờ chính quyền địa phương đứng ra làm trung gian để bàn giao cho gia đình quản lý”, BS Thìn nói.

Vừa rồi, có hai mẹ con chị H. quê ở Quỳ Hợp, điều trị khỏi bệnh xong, không còn tiền xe về, anh chị em đóng góp cho tiền về; sau đó mang cân lạc, cân đỗ đến cảm ơn BS.

BS Trưởng khoa Cấp cứu chống độc và ĐD Nguyễn Thị Ngân thăm khám cho BN.
BS Trưởng khoa Cấp cứu chống độc và ĐD Nguyễn Thị Ngân thăm khám cho BN.

Có một số BN không tự chủ được, BS, ĐĐ phải chăm lo “từ A đến Z”. “Vất vả, khổ cực thì không sao nói hết, nhưng nghĩ họ quá thương tâm nên mình thấy nhẹ lòng khi giúp được những người như vậy”, chị Ngân trải lòng.

Vui chuyện, BS Phan Kim Thìn nhớ lại chuyện BN đánh nhau BS phải vào can đã đành, BN còn đánh cả người nhà. Bi hài nhất là trường hợp người nhà đánh BN, vì tưởng BN không ngoan, không nghe lời. “Lúc đó, chúng tôi lại phải can ngăn, rồi buộc người nhà về. Chờ đến khi BN ổn định mới cho vào chăm sóc lại, nếu không thì lôi thôi to”, BS Thìn cười nhớ lại.

Theo Quang Đại - Quốc Cường

Lao động