1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngày Tết, cẩn trọng nấm mốc từ các loại hạt có dầu

(Dân trí) - Nhu cầu sử dụng các loại hạt dưa, hạt hướng dương, lạc để làm mứt, hạt sen… tăng cao trong dịp Tết. Tuy nhiên, các loại hạt có dầu này lại rất dễ bị nấm mốc trong môi trường mưa ẩm của Tết miền Bắc, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Ngày Tết, cẩn trọng nấm mốc từ các loại hạt có dầu
Những loại hạt chứa dầu rất dễ bị ẩm mốc trong thời tiết mưa phùn, ẩm đặc trưng của mùa Xuân miền Bắc. Khi phát hiện hạt bị mốc, hãy mạnh dạn vứt bỏ, không nên ăn để tránh mang lại mối nguy cho sức khỏe.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo quản thực phẩm. Tại miền Bắc, thời tiết Tết năm nay với dự báo là mưa phùn, độ ẩm cao nên các loại hạt có dầu như trên rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố là Aflatoxin. Đây là loại độc tố cực độc với gan và có nguy cơ gây ung thư nếu ăn phải nhiều.

Aflatoxin có rất nhiều trong các loại hạt, thực phẩm bị mốc. Tuy nhiên, nhiều người thường cho rằng nấm mốc trong thực phẩm khô đơn giản, chỉ cần rửa sạch nấm mốc là vẫn có thể sử dụng. Thực tế, rửa chỉ làm trôi đi nấm mốc bên ngoài, còn thực tế, thực phẩm đã bị ẩm, sản sinh nấm và sinh ra chất độc, vì thế ăn vào rất độc cho sức khỏe.

Ngoài ra cũng cần lưu ý các loại như bánh chưng. Do nhiều gia đình vẫn có thói quen gói bánh chưng với số lượng nhiều, để ăn dài ngày trong dịp Tết rất dễ bị mốc. Nhưng vì tiếc của, phát hiện bánh mốc vỏ, nhiều người lại gọt bỏ phần ngoài của bánh rồi rán lên ăn. Tốt nhất không nên ăn những thực phẩm đã bị mốc như vậy.

Hay với gạo, đã mốc thì nên bỏ. Vì tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin trên, tuyệt đối không nên ăn.

Ông Phong cho biết, loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm. Vì thế, người dân không nên tiếc mà cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc, tuyệt đối không ăn.

Hồng Hải