1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngày càng nhiều học sinh mắc bệnh hen

TS. Phạm Lê Tuấn - Phó giám đốc Sở y tế Hà Nội vừa công bố nghiên cứu điều tra về sự liên quan giữa hen và ô nhiễm không khí trong 8.938 học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) thuộc 5 quận nội thành.

Đúng 10 năm trước (1997), GS.TSKH Nguyễn Năng An cũng từng điều tra về tỷ lệ hen phế quản của 7.789 học sinh thủ đô thì phát hiện được 3,26% bị mắc. Lần điều tra mới đây của TS. Tuấn đã cho thấy tỷ lệ hen của học sinh Hà Nội cao hơn nhiều: 9,6%, trong đó, học sinh tiểu học là 12,2%, THCS: 6,5%.

 

Học sinh được phát phiếu phỏng vấn theo mẫu của WHO để tự trả lời về các triệu chứng hen đã từng xảy ra với bản thân như nặng ngực, ho, có triệu chứng khó thở, cò cử.

 

Gần 1/4 học sinh trả lời rằng trong 12 tháng qua có cơn khó thở, có tiếng khò khè, ho nhiều và có ho đêm làm thức giấc. Tỷ lệ đã được chẩn đoán là hen phân bố theo trường, cao nhất là tiểu học Kim Liên: 13,9% (377 học sinh). Tiếp đó là các trường tiểu học Khương Đình, Đông Thái, Thịnh Liệt, Yên Sở, Kim Giang, Thanh Quan và các trường THCS Đông Thái, Đống Đa, Lê Lợi.

 

Các trường chưa bị nêu tên không có nghĩa là ít học sinh bị hen mà vì điều tra chỉ gói gọn trong học sinh ở một số trường tiểu học, THCS ở 5 quận nội thành có các đặc điểm ô nhiễm riêng. Quận Hoàn Kiếm ô nhiễm do dịch vụ thương mại, Đống Đa ô nhiễm tại khu dân cư, Thanh Xuân ô nhiễm do khu công nghiệp, Hoàng Mai ô nhiễm do giao thông và Tây Hồ được xem là "điểm chứng" vì ít ô nhiễm nhất. Khu vực giao thông Pháp Vân có nồng độ bụi cao nhất, gấp 4,1 lần tiêu chuẩn cho phép, gấp 4,5 lần điểm chứng, gấp 1,8 lần khu dân cư Kim Liên, gấp 1,5 lần khu thương mại Đồng Xuân, gấp 1,2 lần khu công nghiệp Thượng Đình. Nồng độ bụi mịn tại khu giao thông Pháp Vân cũng cao nhất so với toàn thành phố.

 

Trong quá trình điều tra, việc phân tích các yếu tố ô nhiễm liên quan đến hen đã cho thêm kết quả tham khảo là khói trong nhà như thuốc lá, hương, đun bếp là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tình trạng hen. Người thường xuyên tiếp xúc với khói có nguy cơ bị hen cao hơn những người không tiếp xúc thường xuyên tới 3,14 lần. Tiếp đó là nguy cơ bị hen cao đối với người sống ở gần nhà máy, xưởng sản xuất, nhà gần đường ô tô. Khí ô nhiễm do chất đốt sinh hoạt cũng làm tăng nguy cơ hen 1,46 lần cho những người sống trong nhà không đảm bảo thông khí chất đốt sinh hoạt. Bụi trong nhà cũng là nguy cơ hen, bụi càng nhiều thì tỷ lệ hen càng cao. Nếu mức độ bụi trong nhà phải lau dọn hàng ngày thì rất dễ mắc hen. Những gia đình mức độ bụi thấp, chỉ phải lau dọn tuần/lần thì thuộc nhóm không khí sạch.

 

Tuy nhiên, theo TS. Tuấn, 9,6% học sinh đã được chẩn đoán là hen chưa phải là con số thực vì rất có thể còn có những trường hợp bị hen nữa trong số các trường hợp đã từng có các triệu chứng này mà chưa được chẩn đoán. Lý do là khám đông học sinh, không có thời gian hỏi kỹ tiền sử, trong khi chỉ có một số ít trường hợp còn cơn hen vào đúng thời điểm khám.

 

Theo Hải Nguyệt

Thanh niên