Ngày càng có nhiều người chưa già đã mắc bệnh tim mạch chuyển hóa
(Dân trí) - Trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa ngày càng gia tăng. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, không ít người đang trong độ tuổi lao động.
Gia tăng các bệnh lý tim mạch chuyển hóa
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo khoa học Dược lâm sàng năm 2024 với chủ đề "Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân Tim mạch - Chuyển hóa" diễn ra ngày 26/12 do Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Hội Tim mạch Hà Nội tổ chức.
Bệnh tim mạch chuyển hóa là thuật ngữ dùng để chỉ những bệnh chuyển hóa ảnh hưởng đến hệ tim mạch (như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…).
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch TP Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa ngày càng gia tăng và là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống trong xã hội hiện đại.
Theo Cục Y tế Dự phòng ước tính, hệ thống y tế nước ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng lớn của các bệnh không lây nhiễm, cứ 10 người chết thì có 7 người là do các bệnh không lây. Trong đó, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người/năm, chiếm 25% số ca tử vong trong dân số.
"Nguy hiểm hơn, những năm gần đây, số lượng người bệnh tim mạch chuyển hóa ngày càng trẻ hóa, không ít người đang trong độ tuổi lao động," PGS Hiền chia sẻ.
Trong thực tế, các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở tuổi ngoài 20, nhiều trường hợp chỉ mới hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành, đặt stent… Trong cộng đồng, tỷ lệ người trẻ 30-40 tuổi bị tăng huyết áp rất cao.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết thêm, bệnh tim mạch rối loạn chuyển hóa là mặt bệnh chiếm tỷ lệ rất cao trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Trong năm 2023, riêng với bệnh đái tháo đường, số tiền thanh toán chiếm 5% tổng chi của quỹ BHYT, bệnh tăng huyết áp khoảng 2%, các bệnh tim mạch chiếm không dưới 10%.
Nếu điều trị, kiểm soát tốt bệnh tim mạch - rối loạn chuyển hóa thì hạn chế tình trạng bệnh nặng lên, tình trạng nhập viện phải điều trị, can thiệp.
"Làm sao để kiểm soát tốt bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch rối loạn chuyển hóa. Chúng ta đang bước vào "đại dịch" tiểu đường, tỷ lệ bệnh nhân tiền đái tháo đường, đái tháo đường rất cao. Theo báo cáo của Hội Đái tháo đường Hà Nội, TP có khoảng 500.000 bệnh nhân đái tháo đường, 1,4 triệu bệnh nhân tiền đái tháo đường.
Đây là lĩnh vực rất nóng, rất cần thiết để chúng ta tối ưu hóa điều trị, quản lý tốt quỹ BHYT," ông Hưng chia sẻ.
Vì thế, ông hy vọng các đơn vị y tế ở 3 cấp chuyên sâu, cơ bản, ban đầu cùng phối hợp để làm sao quản lý tốt bệnh nhân. Nếu làm tốt thì chắc chắn giá trị mang lại là người dân được hưởng.
Tối ưu hóa hiệu quả điều trị như bệnh rối loạn chuyển hóa
Các bệnh tim mạch chuyển hóa là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới và là gánh nặng bệnh tật lớn đối với bệnh nhân cũng như toàn bộ hệ thống y tế. Do đó, thực hành dược trong lĩnh vực tim mạch chuyển hóa đang là hoạt động được chú trọng triển khai.
Điều này nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị, giảm thiểu sai sót trong thực hành dược lâm sàng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống, giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tim mạch chuyển hóa trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo nhằm tăng cường đào tạo, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về thực hành dược lâm sàng.
Đây cũng là cơ hội để các cán bộ làm công tác y tế trên cả nước kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận từ lý thuyết tới thực hành và cập nhật kiến thức về bệnh tim mạch chuyển hóa. Từ đó, nâng cao chất lượng điều trị và quản lý tốt hơn nữa các bệnh tim mạch chuyển hóa theo hướng cá thể hóa trên từng người bệnh.
Buổi hội thảo diễn ra với 6 bài báo cáo trực tiếp và 14 bài báo cáo poster với các nội dung liên quan đến thực hành dược lâm sàng như: Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân tim mạch - chuyển hóa, quản lý bệnh nhân suy tim, hoạt động dược lâm sàng trong sử dụng thuốc chống đông, hoạt động chăm sóc dược cho bệnh nhân điều trị ngoại trú...