Ngành y tế Quảng Ngãi thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do cơn bão số 9

Nam Phương

(Dân trí) - Cơn bão số 9 khiến toàn bộ khu phòng mổ, khu kiểm soát nhiễm khuẩn của Trung tâm Y tế Mộ Đức bị tốc mái, hư hỏng toàn bộ. Điều này ảnh hưởng đến việc cấp cứu của bệnh nhân, một số phải chuyển tuyến.

Trong chuyến làm việc mới đây với ngành y tế Quảng Ngãi nhằm khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 9, Tổ công tác số 6 của Bộ Y tế do TS.Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm Tổ trưởng đã đến thăm một số cơ sở y tế bị thiệt hại nặng nề.

Ước tính thiệt hại về công trình y tế tại huyện Mộ Đức lên đến hơn 11,6 tỷ đồng (gồm cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã). Thiệt hại về thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cũng lên đến hơn 3,5 tỷ.

Ngành y tế Quảng Ngãi thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do cơn bão số 9 - 1
Ngành y tế Quảng Ngãi thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do cơn bão số 9 - 2

Khu phòng mổ tại Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức bị tốc mái, hư hỏng toàn bộ. 

Trong đó, Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn bộ khu vực phòng mổ, khu vực khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cấp thuốc ngoại trú, phục hồi chức năng bị tốc mái, hư hỏng toàn bộ 100%. Khu phòng mổ bị tốc mái ảnh hưởng đến công tác phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân buộc phải chuyển tuyến. Đến chiều 4/11, Trung tâm Y tế tạm thời khắc phục, bước đầu khôi phục lại hoạt động phẫu thuật. Bên cạnh đó, khoa Khám bệnh, Xét nghiệm, Bệnh Nhiệt đới… cũng bị hư hỏng 50%. 

Một số trang thiết bị y tế bị như máy CT-scanner, máy siêu âm 4D, máy siêu âm Siemen, máy khám mắt… cũng bị hư hỏng ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. 

Ngoài ra, trạm y tế xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức cũng bị hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại về cơ sở vật chất lên đến 1,5 tỷ đồng. Tường toàn bộ khu vực nhà chính gồm phòng trực, phòng khám bệnh bị nứt ngang, nứt dọc, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Vì thế, toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh được chuyển ra phía ngoài.

Ngành y tế Quảng Ngãi thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do cơn bão số 9 - 3

Ông Võ Thanh Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức đề nghị được hỗ trợ kinh phí, nhân lực để khắc phục tạm thời các sự cố do cơn bão số 9 gây ra, liên quan đến phục vụ khám chữa bệnh như: mái che phòng mổ, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, lợp các mái tôn bị tốc. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để mua sắm và sửa chữa các trang thiết bị hư hỏng… 

Chia sẻ với những khó khăn của cơ sở, TS Nguyễn Hùng Long đề nghị địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ, khẩn trương đưa các hoạt động khám chữa bệnh trở lại bình thường, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, đảm bảo không để bùng phát dịch bệnh như sốt xuất huyết. Bước đầu tại địa phương đã xuất hiện các ca mắc sốt xuất huyết. Tổ công tác sẽ báo cáo ngay với Lãnh đạo Bộ Y tế để sớm có hỗ trợ kịp thời.

Ngành y tế Quảng Ngãi thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do cơn bão số 9 - 4

Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi không chịu thiệt hại về cơ sở vật chất, song nguồn nước bị hưởng. Bệnh viện bị mất nước trong 3 ngày đầu, nên buộc phải sử dụng nguồn nước từ giếng. Vì thế, Bệnh viện đề nghị được hỗ trợ vấn đề xét nghiệm lại nguồn nước. Tổ công tác của Bộ Y tế đã lấy 3 mẫu nước mang về Hà Nội xét nghiệm để sớm trả kết quả cho Bệnh viện. 

Theo báo cáo, ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề, cụ thể công trình cơ sở y tế ước thiệt hại gần 30 tỷ đồng; thiệt hại về thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế khoảng 3,5 tỷ. 

Tổ công tác đánh giá cao công tác khắc phục hậu quả bão số 9 của ngành Y tế Quảng Ngãi, đặc biệt không để xảy ra các dịch bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh về mắt, da... trên địa bàn. Đồng thời đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi tăng cường vệ sinh môi trường sau bão, phun hóa chất khử khuẩn, xử lý nguồn nước sinh hoạt đảm bảo để người dân có thể sử dụng; tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, tập trung tuyên truyền người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm bị ốm, chết… 

Ngành y tế Quảng Ngãi thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do cơn bão số 9 - 5

Tổ công tác của Bộ Y tế trao tặng một số phần quà hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức. 

Tổ công tác cũng đề nghị Sở Y tế và các đơn vị liên quan tại địa phương xác định các nguồn nước, loại nhà tiêu người dân vùng này đang sử dụng để hướng dẫn. Ngoài ra, cần kiểm tra nhà máy nước, yêu cầu các nhà máy nước tăng clo dư đạt mức 1mg/lít, đảm bảo kiểm tra, khắc phục các sự cố đường ống, sự cố

Đối với khu vực dân không có nước máy, phải dùng nước giếng đào... thì phải yêu cầu y tế huyện xã, đóng các gói Cloramin B sẵn cấp cho từng hộ gia đình trước (đóng vào túi ni lông nhỏ, mỗi gói đủ xử lý cho 1 xô nước), mỗi hộ gia đình 20 gói nhỏ, kèm theo nội dung hướng dẫn xử lý môi trường, hướng dẫn xử lý nước. Đồng thời ngành y tế cũng cần kiểm tra bệnh viện về công tác quản lý chất thải, phương án thu gom rác thải khi bị ngập lụt...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm