Ngang nhiên quảng cáo thuốc lá điện tử vô hại trên mạng xã hội

(Dân trí) - Trên facebook, nhiều video với hình ảnh các chàng thanh niên “nhả khói” đầy sành điệu khi sử dụng một loại “tinh dầu” hương trái cây vô hại. Thực chất, đây là quảng cáo Shisha điện tử kèm lời “chua” được khuyên dùng vì không độc hại, là cứu cánh với những người muốn bỏ thuốc khiến không ít người hiểu lầm đây thực sự là một sản phẩm vô hại.

Sự thật giật mình về thuốc lá điện tử!

“Thuốc lá điện tử” là cụm từ không xa lại với giới trẻ, nhưng với nhiều ông bố bà mẹ, đây là một điều mới mẻ và dễ bị “đánh lừa”, cho rằng chúng vô hại. Trên thực tế, thuốc lá điện tử được quảng cáo chỉ chứa “tinh dầu hương trái cây”, “hỗ trợ cho quá trình bỏ thuốc lá”… khiến nhiều người lầm tưởng các loại tinh dầu này vô hại. Trong khi đó, thuốc lá điện tử, Shisha điện tử… đều chứa hoạt chất nicotin gây hại không khác gì thuốc lá thường, chưa kể còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ khác.

Bài 1: Ngang nhiên quảng cáo thuốc lá điện tử vô hại trên mạng xã hội

Anh N.V.V. (38 tuổi, Thanh Xuân) đã nghiện thuốc lá 20 năm nay. Lấy vợ muộn, mới sinh con, em bé lại thường xuyên bị bệnh hô hấp, hen phế quản nên anh đã cố gắng để hạn chế hút thuốc tại nhà nhưng vẫn vật vã, khó chịu, bức bối.

Tình cờ xem được lời quảng cáo về loại thuốc lá “dùng pin sạc”, “nhiều hương vị từ đào, táo, việt quất, dứa hấu”… và lại mang một tác dụng tốt đối với người muốn bỏ thuốc, hỗ trợ bỏ thuốc thành công, đặc biệt việc dùng nó không ảnh hưởng đến người xung quanh khiến anh V. nghĩ ngay đến việc dùng nó. Nhưng khi dùng rồi, anh lại trở nên lạm dụng nó, không thể từ bỏ và vẫn hút song song với thuốc lá thường.


Hình ảnh quảng cáo shisa, thuốc lá điện tử vô hại được quảng cáo công khai trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình clip.

Hình ảnh quảng cáo shisa, thuốc lá điện tử vô hại được quảng cáo công khai trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình clip.

“Trong một lần đưa con đi khám tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), mình gặp ngay bác sĩ đang nói về tác hại thuốc lá ngay ở sảnh khoa, mình đã hỏi cô bác sĩ đó, được giải thích thuốc lá điện tử không chỉ có nicotin, mà có nhiều chất tạo hương gây hại. Nó không phải là sản phẩm thay thế để cai nghiện thuốc lá thông thường, mà hút thuốc lá điện tử độc hại như hút thuốc lá thông thường”, anh V kể.

“Không chỉ người lớn, nhiều bạn trẻ khi hút những sản phẩm này vì không biết sự độc hại của nó, hay chỉ vì để không thua bạn kém bè, để tỏ ra “sành điệu”, nhưng đây thực sự là “sự sành điệu chết người. Việc quảng cáo thuốc lá điện tử là biện pháp cai nghiện thuốc lá truyền thống là sai bản chất, dễ gây hiểu lầm", bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cảnh báo.

Rất nhiều bạn trẻ không nghĩ thứ mình đang hút là độc hại, bởi những lời quảng cáo mập mờ, gây hiểu lầm. Những sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường như: Shisha, Vape, thuốc lá điện tử bản chất là những sản phẩm “biến tướng” của thuốc lá. Và thực tế, nó chứa nicotin gây nghiện như thuốc lá thông thường.

Tuy nhiên, nó lại được quảng bá trên nhiều trang mạng Internet về sự hấp dẫn và sành điệu khi sử dụng. Thậm chí các sản phẩm này còn được quảng cáo là có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. Điều này gây những hiểu lầm về sự an toàn cho sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm này, đặc biệt là trong thanh thiếu niên.

“Đáng lo ngại nhất là ở giới trẻ, khi chúng ta nỗ lực 7 năm để giảm được 1% tỉ lệ hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh, thì nay, với những lời quảng cáo sử dụng các sản phẩm shisha, thuốc lá điện tử… là sự sành điệu sẽ khiến nhiều bạn trẻ bị hấp dẫn, tò mò dùng thử. Và với bản chất có nicotin, các bạn sẽ rất dễ bị lạm dụng”, BS Hải khuyến cáo.

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết, - Có một sự hiểu lầm rằng thuốc lá điện tử không có hại hoặc rất ít có hại. WHO đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng các nghiên cứu về thuốc lá điện tử và thấy rằng sản phẩm này cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thuốc lá điện tử và shisha đều nguy hiểm như thuốc lá điếu thông thường. Bởi cả thuốc lá điện tử và shisha đều là chất gây nghiện, do vậy những loại này mới được đưa vào dạng nghiên cứu điều tra và cần có những quy định nghiêm ngặt như thuốc lá điếu.

“Đừng nghĩ bỏ thuốc lá điếu dùng thuốc điện tử là an toàn. Bởi Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra những nghiên cứu, khẳng định sự độc hại của thuốc lá điện tử như thuốc lá điếu thông thường, gồm chất gây nghiện nicotin và các thành phần tạo hương”, ông Khuê nói.

Cùng quan điểm này, PGS.TS. Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rất nhiều người hiểu nhầm, kỳ vọng thuốc lá điện tử sẽ giúp cai được thuốc lá truyền thống và giảm các tác hại, nhưng thực tế lại đang gây nghiện cho nhiều người trẻ.

Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo” “Hãy bắt đầu bảo vệ con bạn. Thuốc lá điện tử không phải là một sản phẩm dành cho những người không hút thuốc. Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử nó. Không có lý do nào để thử thuốc lá điện tử bởi nó có chứa nicotine và cũng sẽ gây nghiện. Đồng thời, nó cũng không phải là sản phẩm có thể giúp bạn cai được thuốc lá".

Theo TS Hương, nghiện thuốc lá được cấu thành bởi 3 yếu tố: Nghiện thực thể, nghiện thói quen, hành vi và nghiện tâm lý.

“Sử dụng thuốc lá điện tử không giải quyết được vấn đề nghiện thói quen hành vi và nghiện tâm lí. Đồng thời trong tinh dầu thuốc lá điện tử vẫn có lượng nicotin nhất định, khi sử dụng nếu không có sự kiểm soát thì sẽ không cai được thuốc lá và vẫn phụ thuộc vào nicotin. Dần dần khi nồng độ nicotin trong thuốc lá điện tử không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của cơ thể thì người hút sẽ quay trở lại với thói quen hút thuốc lá đốt thông thường.

Vì thế, WHO đưa ra khuyến cáo về việc quản lý thuốc lá điện tử, cấm hút thuốc điện tử trong nhà, cấm quảng cáo thuốc lá điện tử trên các phương tiện truyền thông; cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên.

Hồng Hải