Bệnh viện Việt Đức:

Ngăn tai biến phẫu thuật cột sống nhờ máy theo dõi tủy

(Dân trí) - Ngày 23/11, lần đầu tiên Khoa Phẫu thuật Cột sống thuộc Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức Hà Nội đưa vào sử dụng máy theo dõi tủy trong quá trình phẫu thuật cột sống. Máy này có khả năng phát hiện ngay các thay đổi thần kinh khi tiến hành phẫu thuật tại vùng nghi ngờ, giúp tránh các tai biến khi phẫu thuật.

Sáng ngày 23/11, Khoa Phẫu thuật cột sống Viện Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiến hành 3 ca phẫu thuật cột sống, trong đó có một bệnh nhi 9 tuổi phẫu thuật chữa trị vẹo cột sống và 2 bệnh nhân người lớn bị u tủy thắt lưng và u tủy ngực.

Điểm đặc biệt đây là 3 ca phẫu thuật lần đầu tiên được áp dụng máy theo dõi tủy trong quá trình phẫu thuật, là máy lần đầu tiên được áp dụng ở BV Việt Đức nói riêng và ở Việt Nam nói chung.


PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó giám đốc, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình BV Việt Đức đang trực tiếp phẫu thuật ca vẹo cột sống cho bệnh nhi 9 tuổi

PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó giám đốc, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình BV Việt Đức đang trực tiếp phẫu thuật ca vẹo cột sống cho bệnh nhi 9 tuổi


Ca phẫu thuật lần đầu tiên áp dụng máy theo dõi tủy để giúp phòng tránh các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật cột sống - nơi chứa rất nhiều dây thần kinh trung ương

Ca phẫu thuật lần đầu tiên áp dụng máy theo dõi tủy để giúp phòng tránh các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật cột sống - nơi chứa rất nhiều dây thần kinh trung ương

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, người đảm nhiệm chính cho 3 ca phẫu thuật nói trên, cho biết: “Máy theo dõi tủy hoạt động trên nguyên lý sử dụng các sóng điện sinh lí như điện não, điện cơ, sóng gợi để theo dõi và bảo tồn chức năng của cấu trúc thần kinh trong phẫu thuật. Máy giúp giảm nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương và giúp các phẫu thuật viên bảo tồn tối đa chức năng của hệ thần kinh, giúp tránh các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, đặc biệt là đối với phẫu thuật cột sống khi tủy sống vốn có rất nhiều dây thần kinh mà chỉ cần sai sót nhỏ có thể khiến bệnh nhân bị liệt”.

PGS-TS Nguyễn Văn Thạch cho biết, nếu chưa có máy theo dõi tủy đưa vào sử dụng, các ca phẫu thuật phải chờ bệnh nhân hồi tỉnh để thăm dò các chức năng thần kinh có bị ảnh hưởng không để tiếp tục có hướng điều trị, và nếu có tai biến xảy ra thì việc tiếp tục can thiệp, điều trị cho bệnh nhân sẽ rất khó khăn, phức tạp.

“Máy theo dõi tủy giúp cho ê-kip phẫu thuật xử lý triệt để quá trình phẫu thuật không gây ra các tai biến, vừa tăng tỷ lệ thành công vừa giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Thạch khẳng định.


Các bác sĩ sẽ yên tâm hơn rất nhiều trong quá trình phẫu thuật cột sống với việc áp dụng máy theo dõi tủy

Các bác sĩ sẽ yên tâm hơn rất nhiều trong quá trình phẫu thuật cột sống với việc áp dụng máy theo dõi tủy

Được biết, máy theo dõi tủy được nhập từ Đức, có chi phí khoảng hơn 2 tỷ.

Chiều cùng ngày, TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống Viện Chấn thương Chỉnh hình, BV Việt Đức, một trong những người tham gia phẫu thuật cho các bệnh nhân trên cho PV Dân trí biết, các ca phẫu thuật đều đã thành công tốt đẹp.

Thế Nam