Ngăn chặn ngay việc sử dụng hóa chất nhuộm ruốc

(Dân trí) - Trước thông tin ngư dân ở gành Đỏ (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) nhuộm màu cho các giỏ ruốc (con tép biển hay còn gọi là con moi) ngay trên bãi biền, Cục An toàn thực phẩm ngày 24/3 yêu cầu xác minh, kiểm tra thông tin và ngăn chặn ngay hành động này.

Những hình ảnh nhuộm ruốc ngay trên bãi biển, với phẩm màu đỏ lòm khiến nhiều người hoang mang, bởi đây là một món ăn rất quen thuộc với nhiều người.
Những hình ảnh nhuộm ruốc ngay trên bãi biển, với phẩm màu đỏ lòm khiến nhiều người hoang mang, bởi đây là một món ăn rất quen thuộc với nhiều người.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương này cho biết hiện do đã hết mùa ruốc nên không thể lấy được mẫu vật phẩm để kiểm tra; vì thế cũng chưa thể kết luận bà con có sử dụng phẩm màu hay không; nếu có thì đó là phẩm màu công nghiệp hay phẩm màu thực phẩm?

Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương nhanh chóng kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Ngăn chặn ngay việc sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, không an toàn để tạo màu cho ruốc (nếu có). 2.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị đơn vị này tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với việc sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong hoạt động chế biến, bảo quản thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Trong trường hợp này chưa xác định được người dân dùng phẩm màu nào để nhuộm ruốc nhưng nhiều chuyên gia thực phẩm nghi ngờ đó là thuốc nhuộm công nghiệp RhodaminB.

Trước đó, khoảng năm 2010, câu chuyện dùng phẩm màu công nghiệp là chất Rhodamine B để nhuộm hạt dưa, ớt, chi tử (vị thuốc trong đông y) là rất phổ biến. Sau khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, báo chí tuyên truyền trong cộng đồng thì tình trạng hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp đã không còn.

Rhodamine B có thể nhiễm vào thực phẩm qua hai con đường: Một là qua phân bón, thuốc trừ sâu, khi thu hái không xử lý tốt thì còn lại chất này. Tuy nhiên nếu thực phẩm nhiễm RhodaminB từ nguồn này thì không đáng kể và chỉ tồn tại ở dạng tồn dư, còn vết. Còn nguy hiểm nhất là cho trực tiếp RhodaminB vào thực phẩm, do người kinh doanh nhuộm vào vừa làm đẹp màu thực phẩm, vừa chống mối mọt, nấm mốc. Tuy sản phẩm đẹp mắt, nhưng rất độc hại cho người tiêu dùng, tích lũy tại gan, thận gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, lâu dài có thể gây ung thư.

Hồng Hải