1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngã ban công, bé 3 tuổi chấn thương sọ não

(Dân trí) - Sau khi ngã từ ban công xuống đất (độ cao khoảng 5m), bé T. hôn mê và được đưa thẳng tới bệnh viện, trong tình trạng chấn thương sọ não nặng.

Cháu B.T.T (31 tháng, Thái Nguyên) vừa được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê, bầm tím 2 mắt, bóp bóng qua ống nội khí quản do tai nạn gây chấn thương sọ não. Trước đó, ngay sau khi bị ngã ban công từ độ cao 5m xuống đất, bệnh nhi bất tỉnh và gia đình đưa trẻ đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng, phẫu thuật vùng trán lấy máu tụ và dẫn lưu. Sau phẫu thuật, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các bác sĩ khoa Hồi sức Ngoại, bệnh viện Nhi Trung ương đã cho trẻ thở máy, điều trị chống phù não, ổn định về hô hấp, tuần hoàn và truyền máu cho trẻ.

Theo ThS.BS Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại, đây không phải là một trường hợp cá biệt mà rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Bởi trẻ nhỏ có rất nhiều nguy cơ gây té ngã như bé đi nền trơn trượt chân ngã, trượt ngã cầu thang, ngã từ ban công, cửa sổ… gây những chấn thương như trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng, chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong…

Vì thế, với trẻ em, nhất là các bé trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo luôn cần được giám sát kỹ, để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra với bé. Chỉ một phút sơ sểnh có thể gây những thương tổn nặng nề, nguy kịch đến tính mạng trẻ, nếu cứu sống nhiều trường hợp cũng chịu di chứng cả đời do não bị ảnh hưởng.

BS Sơn cũng lưu ý thêm, nhiều người lớn vẫn có quan điểm trẻ em ngã có “mụ đỡ”, nên chủ quan khi trẻ ngã. Sau khi ngã trẻ xuất hiện các dấu hiệu đau đầu hoặc kích thích, quấy khóc nhiều, nôn nhiều, li bì, hôn mê hoặc trẻ tỉnh nhưng sau đó xuất hiện hôn mê cần nghĩ đến nguy cơ chấn thương sọ não và đưa đến viện sớm nhất.

Tú Anh