Nên ăn thịt nóng hay thịt mát?
Nhờ áp dụng nguyên tắc “nhanh-lạnh-sạch”, thịt mát giữ nguyên chất lượng tươi ngon từ 7-15 ngày.
“Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia còn sử dụng dạng thịt tươi ngay sau giết mổ (thịt nóng). Loại thịt này mau giảm chất lượng do không kìm hãm hoạt động của vi sinh vật, enzyme và rất khó kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)”.
Ngày 10-8, ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ NN&PTNT), cho biết thông tin trên tại hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN “Thịt mát – Yêu cầu kỹ thuật”.
Hiện thịt mát đang là sản phẩm được tiêu thụ tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới như khối EU, Mỹ. “Nhờ áp dụng nguyên tắc “nhanh-lạnh-sạch”, thịt mát vẫn giữ nguyên chất lượng tươi ngon từ 7-15 ngày” – ông Ninh nói thêm.
Theo dự thảo, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thịt mát phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Heo sau khi giết mổ sẽ được làm sạch và đưa ngay vào kho lạnh để hạ nhiệt độ thịt xuống từ 0oC-4oC trong vòng 16-24 giờ để đảm bảo quá trình chín sinh hóa. Sau đó được đưa ra sơ chế trong điều kiện nhiệt độ phòng được làm lạnh, nhiệt độ thân thịt lúc đó yêu cầu không quá 7oC. Trong quá trình vận chuyển, bảo quản, bày bán cũng được yêu cầu bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 0oC đến 4oC.
Sau khi lấy ý kiến lần cuối về dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về thịt mát, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện và gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tổng cục sẽ thẩm định và hoàn thiện để chính thức ban hành (dự kiến cuối tháng 9-2018).
Theo Trần Ngọc
Pháp luật TPHCM