1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Né” chích ngừa, người lớn cũng nguy kịch vì mắc sởi

(Dân trí) - Bệnh sởi không chỉ tấn công trẻ em mà tấn cộng mọi lứa tuổi chưa được được vắc xin bảo vệ. Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi dịch sởi, tuy nhiên số ca bệnh vẫn ở mức cao, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Ngày 20/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây đang điều trị cho một trường hợp bị biến chứng sởi rất nặng. Người bệnh là nam công nhân L.M.K. (30 tuổi) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng sốt cao, co giật, suy hô hấp. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhân bị bệnh sởi gây biến chứng viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, động kinh.  

“Né” chích ngừa, người lớn cũng nguy kịch vì mắc sởi - 1

Có tới 20% số ca bệnh sởi là nhóm người ở tuổi trưởng thành 

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía thân nhân người bệnh được biết, từ cuối tháng 4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt nhiều, lên cơn co giật được chuyển vào bệnh viện địa phương điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh mỗi ngày một nặng thêm nên phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 2 tuần điều trị tích cực bằng kháng sinh, tăng cường miễn dịch bệnh nhân đã đáp ứng với thuốc nhưng tình trạng còn khá nặng.

Trường hợp trên là một trong những ca bị biến chứng điển hình do bệnh sởi gây ra do chưa được chích vắc xin phòng bệnh. Dịch sởi đang lưu hành trên diện rộng, tuy nhiên cộng đồng chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh nên còn lơ là trong công tác phòng chống. Với số ca bệnh tang cao từ cuối năm 2018 đến nay, TPHCM hiện đang là điểm nóng của dịch sởi bất chấp nỗ lực triển khai các giải pháp dự phòng của ngành y tế.

“Né” chích ngừa, người lớn cũng nguy kịch vì mắc sởi - 2

Còn tới 15% số trẻ trong tuổi tiêm vét không được phụ huynh đưa đi tiêm sởi

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, tính đến hết tháng 4/2019 toàn thành có gần 3.700 trường hợp mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận ca bệnh nào. Sau khi tăng vọt vào thời điểm đầu năm, hiện bệnh sởi đang có xu hướng giảm nhưng tốc độ giảm chậm.

Bệnh sởi đang tấn cộng mọi lứa tuổi chưa được chủng ngừa vắc xin. Phân tích tổng số ca nhiễm bệnh cho thấy có tới 14% nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc sởi. Đây là nhóm bệnh nhi chưa đến tuổi tiêm phòng, các bé nhiễm bệnh do người mẹ chưa chủng ngừa sởi nên không nhận được kháng thể trong giai đoạn thai kỳ, sau chào đời cơ thể non nớt của trẻ không được bảo vệ dễ dàng bị sởi tấn công. Nhóm trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất chiếm tới 42%; từ 6 đến 15 tuổi chiếm 24%. Đáng lưu ý, tỷ lệ người trưởng thành mắc sởi chiếm tới 20% đây là những người chưa chích ngừa vắc xin phòng bệnh.  

Khi bị sởi tấn công, đa phần bệnh nhân có thể tự khỏi, song trường hợp bệnh nặng gây suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ khiến người bệnh mắc thêm các bệnh cơ hội như viêm phổi, viêm não tủy cấp. Biến chứng viêm phế quản phổi do bội nhiễm sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm có thể cướp đi sự sống những bệnh nhân có các bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch.

“Né” chích ngừa, người lớn cũng nguy kịch vì mắc sởi - 3

Chích ngừa là giải pháp đơn giản và hiệu quả để bảo vệ cộng đồng

Để ngăn chặn dịch sởi bùng phát, Sở Y tế thành phố đã tổ chức chiến dịch tiêm vét vắc xin cho nhóm trẻ chưa được chích ngừa. Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng vẫn còn khoảng 15% số trẻ trong độ tuổi chủng ngừa không được phụ huynh cho tham gia tiêm bổ sung, không cung cấp bằng chứng cho thấy trẻ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa bệnh sởi. Số trẻ trên thuộc nhóm nguy cơ rất cao có thể mắc sởi nếu tiếp xúc với mầm bệnh.

Sởi là bệnh rất dễ lây nhiễm, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động phòng ngừa bằng những biện pháp đơn giản như tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Chích vắc xin phòng bệnh là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất giúp cộng đồng tránh được bệnh sởi. Những gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần đưa con em mình đi chích đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi, mũi thứ nhất khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Vân Sơn