Nắng nóng, người lớn trẻ nhỏ “ồ ạt” đổ bệnh

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng kéo dài tại khu vực Nam Bộ đang khiến người lớn, trẻ nhỏ thi nhau đổ bệnh, gây áp lực quá tải cho các bệnh viện. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, tránh tác động xấu từ khí hậu cực đoan.

Hô hấp và tiêu chảy ở trẻ em

Gần hai tuần nay, thời tiết nắng nóng với nhiệt độ trung bình từ 36 đến 38oC vào ban ngày, nền nhiệt từ 28 đến 32oC cũng duy trì về ban đêm đang khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt, oi bức. Thời tiết xấu đã tác động tiêu cực đến sức khỏe con người khiến số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM gia tăng.

Trẻ đến khám tại các bệnh viện Nhi Đồng liên tục tăng cao trong mùa nóng
Trẻ đến khám tại các bệnh viện Nhi Đồng liên tục tăng cao trong mùa nóng

Các loại bệnh thường gặp nhất là hô hấp, tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Ngồi bên giường bệnh cậu con trai 4 tuổi, đang nằm điều trị tại khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1, anh Nguyễn Hữu Long (36 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho hay: “Ba ngày trước, tôi đang đi làm thì giáo viên trường mầm non nơi bé đang theo học gọi điện báo cháu bị sốt cao, ho và ói nhiều. Đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán, bé bị viêm phổi phải nhập viện điều trị.”

Cũng theo lời anh Long, thời gian gần đây do nhiệt độ về đêm quá oi bức nên vợ chồng anh đã mở quạt suốt đêm ở tốc độ cao để con ngủ được ngon giấc. Vài ngày trước khi đổ bệnh nặng, cháu bé đã có biểu hiện mệt, ho nhiều. Khi được bác sĩ tư vấn khả năng con trai bị bệnh do nằm quạt quá nhiều, vợ chồng anh Long không khỏi xót xa, chỉ vì sự thiếu hiểu biết của mình, họ đã vô tình khiến con bị bệnh.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, thời tiết nắng nóng những ngày qua có thể là nguyên nhân khiến trẻ nhập viện tại khoa gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ để trẻ nằm quạt máy quá nhiều; đặt quạt đứng một chỗ, thổi gió thẳng vào người trẻ. Ngoài ra, việc sử dụng máy lạnh liên tục trong thời gian dài, nhiệt độ chênh lệch quá lớn với bên ngoài cũng khiến trẻ khô da, khô họng tạo điều kiện cho siêu vi tấn công, trẻ đi học, đi chơi không được đội nón, mang khẩu trang... cũng dễ nhiễm bệnh.

Bệnh thường gặp nhất ở trẻ là hô hấp và tiêu hóa
Bệnh thường gặp nhất ở trẻ là hô hấp và tiêu hóa

Không chỉ riêng bệnh hô hấp, các bệnh về đường tiêu hóa cũng đang gia tăng, do thời tiết nắng nóng việc bảo quản thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, nấm mốc. Khi trẻ nhỏ vô tình ăn, uống phải những loại thực phẩm không còn đảm bảo chất lượng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường ruột gây bệnh tiêu chảy.

Theo BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa của bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày tại đây đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng 180 bệnh nhân, trong đó có 80 bệnh nhân tiêu chảy cấp.

Theo thống kê của hai bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn thành phố, ở thời điểm khác trong năm, số ca bệnh đến khám chỉ giao động từ 5.000 đến 6.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, khoảng hai tuần trở lại đây, số bệnh nhi đến khám và điều trị đã liên tục tăng. Tuần qua, được xem là cao điểm của “làn sóng” bệnh khi mỗi bệnh viện có thời điểm phải tiếp nhận tới hơn 7.000 bệnh nhi.

Đột quỵ và bệnh mạn tính ở người lớn

Nắng nóng cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến người lớn đặc biệt là người cao tuổi bị bệnh. Theo số liệu thống kê của khoa Khám bệnh, bệnh viện Đại học Y Dược, mỗi ngày tại đây đang tiếp nhận gần 5.800 bệnh nhân đến khám. Con số trên đã tăng khoảng 10% so với mức bình quân trong năm. Tại bệnh viện Nhân Dân 115, số ca bệnh cũng giao động từ 3.500 đến 4.000 bệnh nhân. Số bệnh nhân đã tăng so với mức trung bình khoảng 10%.

Bệnh nhân chờ lấy thuốc tại bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân chờ lấy thuốc tại bệnh viện Chợ Rẫy

Tình trạng bệnh gia tăng ở mức tương tự cũng được ghi nhận tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Thống Nhất... Các loại bệnh chịu sự tác động của thời tiết thường gặp ở người lớn thời điểm hiện tại là đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh mạn tính về huyết áp, tim mạch, cơ - xương - khớp,…

Theo phân tích của các bác sĩ, ở những người trong độ tuổi lao động khi phải làm việc thường xuyên trong môi trường nắng nóng, oi bức sẽ khiến cơ thể bị mất nước, sức đề kháng cũng giảm đi, tạo cơ hội cho các loại vi rút gây bệnh tấn công. Người lớn tuổi, thời tiết nắng nóng sẽ khiến các cụ cảm thấy chán ăn, ăn ít dẫn tới suy nhược cơ thể. Đặc biệt, những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính đi kèm thì khả năng phát bệnh là rất lớn.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng thời tiết nắng nóng đang bước vào mùa cao điểm. Dự báo không khí oi bức ở nhiệt độ cao sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, sau đó mới dịu dần khi chuyển sang mùa mưa.

Số ca khám, cấp cứu bệnh người lớn tại các bệnh viện đã tăng khoảng 10% so với trung bình trong năm
Số ca khám, cấp cứu bệnh người lớn tại các bệnh viện đã tăng khoảng 10% so với trung bình trong năm

Để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình trong giai đoạn thời tiết bất lợi, các bác sĩ khuyến cáo những gia đình có trẻ nhỏ cần chú ý sử dụng quạt máy, máy lạnh một cách khoa học. Không để quạt máy đứng một chỗ thổi gió thẳng vào người, không để máy lạnh ở nhiệt độ chênh lệch quá thấp so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Khi phải làm việc ngoài trời hoặc ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, cả trẻ em lẫn người lớn cần phải đội nón, mặc áo khoác, mang khẩu trang… Người lớn tuổi có bệnh lý mạn tính đi kèm cần hạn chế làm việc và ra ngoài trong những giờ nắng cao điểm buổi trưa, không hút thuốc lá hoặc uống quá nhiều bia rượu.

Giải pháp tốt nhất để hạn chế nguy cơ mắc bệnh là tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng việc ăn đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước hơn để bù nước cho cơ thể; thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống chín để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa. Giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ khi có dấu hiệu bệnh trở nặng vượt quá khả năng tự chăm sóc tại gia đình, cần đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Vân Sơn