Nâng cao vị thế của lĩnh vực điều dưỡng trong ngành Y

Trường Thịnh

(Dân trí) - Góp phần quan trọng vào thành công của công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh nhưng nghề điều dưỡng còn bị “xem nhẹ” trong lĩnh vực Y tế. Nghề điều dưỡng cần được nhìn nhận công bằng hơn cả góc độ chuyên môn và xã hội.

Nhiệm vụ “nặng gánh” của nghề điều dưỡng

Điều dưỡng là một phần của đội ngũ chăm sóc sức khỏe đa ngành. Ở lĩnh vực dự phòng, lực lượng điều dưỡng góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân, ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm và không nhiễm; chăm sóc sức khỏe người dân suốt đời từ khi sinh ra cho đến khi mất đi.

Lực lượng điều dưỡng đang góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, xây dựng lối sống lành mạnh, cùng hợp tác giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến sức khỏe, ứng phó và điều trị các bệnh lý liên quan đến biến đổi khí hậu, đảm bảo chăm sóc y tế cho những người dễ bị tổn thương đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Người điều dưỡng luôn đi tiên phong trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và các khủng hoảng nhân đạo, nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và cấp cứu cho bệnh nhân.

Trong lĩnh vực điều trị, theo mô hình chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm, người điều dưỡng phải có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh; chăm sóc về tinh thần cho bệnh nhân; chăm sóc vệ sinh cá nhân; chăm sóc dinh dưỡng; chăm sóc, phục hồi chức năng; chăm sóc bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, thủ thuật; dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho người bệnh; chăm sóc người bệnh trong giai đoạn hấp hối và tử vong; thực hiện các kỹ thuật điều dưỡng; theo dõi, đánh giá người bệnh; bảo đảm an toàn và phòng ngừa sai sót chuyên môn kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh; ghi chép hồ sơ bệnh án.

Từ thời điểm bệnh nhân vào bệnh viện, đến thời điểm bệnh nhân rời bệnh viện, điều dưỡng là người luôn túc trực chăm sóc liên tục cho người bệnh, là người gần gũi bệnh nhân và hỗ trợ sát cho người bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, công tác điều dưỡng chiếm tỷ lệ hơn 50% thành công của người bệnh trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Tuy nhiên, trên thực tế lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức của ngành y tế cũng như cộng đồng. Để phát huy vai trò nhiệm vụ và nâng cao vị thế của lực lượng điều dưỡng, ngày 12/11, Bệnh viện Quân y 175 đã tổ chức Hội nghị khoa học Điều dưỡng. Hội nghị có sự tham gia, thảo luận của các bệnh viện quân y trên cả nước và các bệnh viện công lập, ngoài công lập trên địa bàn TPHCM.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá - Tiến sĩ - Thầy thuốc ưu tú Trần Quốc Việt, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Từ trước đến nay, ngành điều dưỡng vẫn đang bị coi nhẹ, chưa được chú trọng đúng mức. Thời gian gần đây, lĩnh vực điều dưỡng đang từng bước được quan tâm, hỗ trợ nhưng vẫn chưa tương xứng với vai trò ngành điều dưỡng phải đảm đương. Chúng tôi hy vọng, Hội nghị sẽ là nhịp cầu kết nối, trao đổi chuyên môn nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ điều dưỡng trong thời kỳ hội nhập”.

Nâng cao vị thế của lĩnh vực điều dưỡng trong ngành Y - 1

Đại tá - Tiến sĩ - Thầy thuốc ưu tú Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 phát biểu tại Hội nghị Khoa học Điều dưỡng 2020

Cần “tiếp lửa” giúp lực lượng điều dưỡng vươn xa

Thạc sĩ Đinh Thị Hồng Vân, phụ trách Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng điều dưỡng của bệnh viện luôn sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Quân y 175 đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho quân nhân và người dân điều trị tại bệnh viện đến làm nhiệm vụ cấp cứu khẩn nguy cho khu vực biển đảo, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, phòng chống dịch Covid-19 và ứng phó với thiên tai thảm họa.

Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ không chỉ bằng trách nhiệm, y đức mà còn là nghĩa cử cao đẹp của tình quân dân, mang hình ảnh đẹp của ngành quân y đến với toàn quân, toàn dân. Thời gian tới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của bệnh viện, lực lượng điều dưỡng sẽ chuyển mình mạnh mẽ với đội ngũ được đào tạo vừa hồng vừa chuyên, chủ động hội nhập quốc tế”.

Nâng cao vị thế của lĩnh vực điều dưỡng trong ngành Y - 2
Thạc sĩ Đinh Thị Hồng Vân, phụ trách Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Quân y 175

TS Trần Thị Châu, Phó chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho rằng: “So với các quốc gia trên toàn cầu, tỷ lệ điều dưỡng trên số lượng bác sĩ và trên 100.000 dân của Việt Nam đang còn ở mức rất thấp. Người điều dưỡng đang rất vất vả, chịu nhiều áp lực công việc khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Có những cơ sở y tế, một điều dưỡng phải cùng lúc việc chăm sóc cho nhiều bệnh nhân vì tình trạng quá tải người bệnh đang diễn ra”.

Là lực lượng tuyến đầu chống dịch, đối mặt với những căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao, công việc quá áp lực nhưng đồng lương không tương xứng, cơ hội phát triển nghề nghiệp còn nhiều hạn chế khiến không ít điều dưỡng có xu hướng bỏ nghề, chuyển công tác khác hoặc chuyển từ khối y tế công sang y tế tư nhân.

TS Châu chia sẻ: “Thực tế, công việc của người điều dưỡng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng với bác sĩ điều trị nhưng là những hoạt động mang tính độc lập được phân công theo chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên lâu nay, lực lượng điều dưỡng đang bị xem là “người giúp việc” cho các bác sĩ. Điều đó khiến nhiều người tự ti mặc cảm với chính nghề nghiệp của mình, lửa nghề vì thế cũng tàn lụi dần”.

Hội Điều dưỡng Việt Nam cho rằng, tay nghề của điều dưỡng trong nước hiện không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng hiện có, lĩnh vực điều dưỡng cần phải được nhìn nhận khách quan nhất từ cơ chế chính sách để giảm áp lực công việc, tạo môi trường làm việc lành mạnh, có cơ hội tiến thân. Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế trong cả lĩnh vực nghề nghiệp và đào tạo để điều dưỡng Việt Nam tăng thêm cơ hội việc làm và hội nhập.

Nâng cao vị thế của lĩnh vực điều dưỡng trong ngành Y - 3

Hội nghị khoa học Điều dưỡng 2020 do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức mang đến những góc nhìn mới về vai trò của người điều dưỡng