Nạn nhân vụ mắc kẹt dưới cống ở TPHCM: "Xảy ra rồi mới hối hận thì đã muộn"
(Dân trí) - "Khi phát hiện sự việc, chúng tôi cố hô hoán để những người xung quanh đến cứu, nhưng cuối cùng, anh ấy vẫn không qua khỏi", đồng nghiệp công nhân tử vong sau khi mắc kẹt dưới cống ở TPHCM nói.
Liên quan đến sự việc 5 công nhân gặp nạn khi làm nhiệm vụ xử lý cống thoát nước ở TPHCM (trong đó có một trường hợp tử vong), đến sáng 27/7, có 4 bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi sức khỏe đã dần ổn định.
Tại giường bệnh, anh T.T.B. (43 tuổi), một trong 4 người phải đi cấp cứu kể lại, 7h ngày 26/7, anh cùng các đồng nghiệp tại công ty thoát nước đi làm như thường lệ. Khi xử lý nước và rác thải tại 5 chiếc cống đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh), họ cũng mở nắp hầm trước cho thoáng khí.
Theo anh B., mỗi ngày sẽ có một người trong đội xuống cống theo lịch trực. Anh K.L. (38 tuổi, nạn nhân tử vong) đảm nhận ca trực của ngày 26/7.
"Những hầm trước đều mở ra làm như vậy nhưng không sao, chỉ khi anh ấy làm hầm này lại bị vướng và gặp sự cố. Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi cố hô hoán lên để những người xung quanh đến cứu, nhưng cuối cùng, anh ấy không qua khỏi.
Rất mong sau này anh em rút kinh nghiệm khi làm việc, không nên để xảy ra rồi mới hối hận thì đã muộn", anh B. ngậm ngùi chia sẻ.
Trước đó vào ngày 26/7, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 4 trường hợp gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ dưới cống thoát nước sinh hoạt.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoảng 10h30 sáng cùng ngày, khoa tiếp nhận hai trường hợp là công nhân công ty cấp thoát nước ở TPHCM.
Khai thác bệnh sử, thời điểm xảy ra sự việc, các bệnh nhân được giao xử lý các cống thoát nước thải sinh hoạt ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân và các khu dân cư xung quanh đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh).
Trong lúc làm nhiệm vụ (cống đã được mở nắp trước 20 phút), một thành viên trong đội có triệu chứng ngất xỉu, nằm sấp mặt trong lòng cống. Phát hiện sự việc trên, 5 công nhân khác đã cùng nhau lao xuống để cứu đồng nghiệp.
Nhưng chỉ sau 3 phút, có hai trường hợp không thở được là anh N.K.M (22 tuổi) và anh T.T.B. (43 tuổi), người dân và đồng nghiệp ở trên mặt đường phải kéo lên. Ban đầu, các nạn nhân cảm thấy khỏe hơn, nhưng chỉ ít phút sau lại tiếp tục ngạt thở, nặng ngực, nên được đưa đi cấp cứu.
Thời điểm vào viện, anh M. và anh B. tỉnh, được hỗ trợ thở oxy đường mũi. Tiến hành làm các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện có tình trạng thiếu oxy trong máu.
Sau khi được chăm sóc tích cực, 2 bệnh nhân tiếp xúc tốt, tự thở được, oxy trong máu cải thiện, bớt nặng ngực, không co giật yếu liệt, tình trạng tim mạch bình thường.
Tại khoa Nội phổi của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận hai trường hợp khác trong vụ việc, là anh D.B.C. (33 tuổi) và anh V.H.B.A. (36 tuổi).
Các bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng viêm đường hô hấp, đã được nội soi phế quản cấp cứu, loại bỏ các chất dơ khỏi đường hô hấp. Trong đó, bệnh nhân 36 tuổi bị suy hô hấp nặng, phải thở oxy qua mặt nạ.
Hiện tại, 4 ca bệnh đang được theo dõi sát diễn tiến. Dự kiến trong ngày mai (28/7), các bệnh nhân sẽ được nội soi để kiểm tra lại tình trạng phổi.
Như Dân trí đã thông tin, khoảng 9h20 ngày 26/7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TPHCM nhận được tin báo có nhóm người bị mắc kẹt dưới cống trên đường Trần Văn Giàu, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Bình Chánh đã điều động nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng xe chuyên dụng đến hiện trường ứng cứu. Tuy nhiên, một nạn nhân đã không qua khỏi.
Danh tính nạn nhân tử vong là K.L. (38 tuổi), nhân viên công ty thoát nước. Bốn trường hợp khác được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Nguyên nhân vụ việc đang được công an điều tra.