Nam thanh niên trẻ phải cắt “cậu nhỏ” vì tự ý bôi thuốc chữa sùi đầu dương vật

(Dân trí) - Trước khi vào viện 6 tháng, nam bệnh nhân L.V.T (28 tuổi, Hà Nội) có tình trạng chảy dịch, bốc mùi hôi ngay vùng đầu dương vật. Dương vật cũng bị sưng to, rỉ máu, sùi tổ chức vùng đầu nhưng bệnh nhân không đi khám, tự mua thuốc về bôi.

Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân T. khi đến viện có tổn thương rất nghiêm trọng.

Đầu dương vật bệnh nhân sưng vù, chảy máu, dịch và có mùi hôi. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tế bào vẩy (tế bào gai) dương vật ở giai đoạn 2.

"Bệnh nhân đến viện muộn dẫn đến biến chứng, tổn thương nặng nề. Chúng tôi buộc phải cắt bỏ khoảng 1/5 dương vật của bệnh nhân", BS Minh cho biết.

Nam thanh niên trẻ phải cắt “cậu nhỏ” vì tự ý bôi thuốc chữa sùi đầu dương vật - 1

Theo BS Minh, số bệnh nhân đến viện muộn khi bị ung thư dương vật rất phổ biến. Mỗi năm, BV Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đên khám, điều trị phần lớn đều giai đoạn muộn. Bệnh nhân sau một thời gian tự xoay sở bằng bôi thuốc, đắp lá đủ kiểu không đỡ mới đến viện.

Như trường hợp bệnh nhân nam (45 tuổi, Thanh Hoá) cũng phải cắt cụt một phần dương vật và nạo vét hạch khối u do đến viện muộn.

Ban đầu, vùng dương vật của bệnh nhân xuất hiện vết sùi, có hạch cứng nhưng bệnh nhân không đi viện ngay mà tự điều trị. Đến khi "chỗ ấy" chảy mủ, sưng nề bệnh nhân mới đến viện, buộc phải cắt bỏ một phần dương vật.

TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, người bệnh vẫn có tâm lý bệnh "vùng kín" nên ngại không đi khám sớm.

Đáng nói, trong số các bệnh nhân ung thư dương vật nhập viện có đến 90% có tiền sử hẹp bao quy đầu.

Tình trạng hẹp bao quy đầu và viêm nhiễm kéo dài là yếu tố dẫn đến nguy cơ bị ung thư dương vật. Nhiều bệnh nhân bị ung thư dương vật đến bệnh viện trễ nên nhiều trường hợp phải cắt 1/2 hay 3/4 dương vật. Những bệnh nhân này sau điều trị ổn định sẽ được tạo hình dương vật.

Tình trạng hẹp bao quy đầu sẽ khiến bệnh nhân không lột được bao quy đầu để vệ sinh, lâu dần các chất cặn bã tích tụ lại, gây viêm nhiễm, chít hẹp, thậm chí lâu ngày còn phát triển thành ung thư.

TS Kiêm khuyến cáo, có nhiều dấu hiệu nguy cơ để nghĩ đến ung thư dương vật. Bệnh nhân chỉ cần chú ý là có thể phát hiện bất thường, quan trọng nhất là phải đi khám ngay khi có dấu hiệu.

"Nếu có tình trạng viêm, sưng khi bị hẹp bao quy đầu; bỗng dưng sờ thấy cục ở ngay dưới quy đầu, chạm vào có thể gây chảy máu, chảy dịch, hoặc có sùi, loét ở vùng quy đầu; xuất hiện vùng da sẫm màu bất thường khác màu da ở dương vật; hay bất cứ dấu hiệu gì thấy nghi ngờ, mọi người cần bỏ qua mặc cảm và đi khám sớm. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân không phải cắt bỏ một phần dương vật mà có thể điều trị bảo tồn", TS Kiêm nói.

Ngoài ra, nam giới cần chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ; xử lý tình trạng chít hẹp bao quy đầu từ sớm và nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý toàn thân, cũng như bệnh lý dương vật sớm để được điều trị kịp thời.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm