Nam thanh niên chảy mủ vì sỏi tuyến nước bọt lại ngỡ quai bị
(Dân trí) - Bị sưng đau vùng dưới hàm trái, nam thanh niên 25 tuổi cứ ngỡ mình bị quai bị. Đến khi sờ vào mủ chảy ra anh mới hốt hoảng tới bệnh viện, được bác sĩ phát hiện sỏi nằm trong ống tuyến nước bọt.
Ngày 12/6, tại hội nghị Khoa học về răng hàm mặt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội), thạc sĩ Hoàng Hoàng Phong Mỹ - Khoa Phẫu thuật hàm mặt chia sẻ về những trường hợp mắc bệnh tuyến nước bọt điển hình nhưng người bệnh lại dễ nhầm lẫn là quai bị hay viêm nhiễm thông thường.
Trường hợp nam thanh niên 25 tuổi vào bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) với biểu hiện sưng đau vùng dưới hàm trái. Khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện mủ chảy ra từ tuyến nước bọt, sờ thấy sỏi nằm phía đầu xa ống tuyến nước bọt.
Khi siêu âm phát hiện sỏi ống tuyến kích thước 4mm. Bệnh nhân được chẩn đoán sỏi ống tuyến dưới hàm trái.
Bệnh nhân thứ 2 là nữ, 44 tuổi vào viện với các biểu hiện sưng đau nhiều lần vùng tuyến mang tai trái.
Bệnh nhân cho biết có tiền sử viêm tuyến mang tai mạn tính, điều trị kháng sinh nhiều đợt khác nhau nhưng tái lại liên tục. Tại thời điểm vào bệnh viện, bệnh nhân cũng đang trong tình trạng sưng đau tuyến mang tai, có mủ chảy ra. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị sỏi ống tuyến mang tai.
Bác sĩ Mỹ cho biết, hầu hết các bệnh nhân trước khi được chẩn đoán bệnh lý tuyến nước bọt đều thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng sưng đau hàm mặt, tự ý điều trị kháng sinh vẫn tái đi tái lại.
“Bởi khi sỏi hình thành, không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi chúng đạt được kích thước đủ lớn làm tắc ống. Lúc này sẽ khiến nước bọt chảy ngược lại vào tuyến, gây đau và sưng", BS Mỹ giải thích.
Theo đó, khi phát triển đến kích thước đủ lớn, sỏi ống nước bọt gây ra các biểu hiện đau ở mặt, miệng hoặc cổ, đặc biệt bệnh nhân đau hơn trước hoặc trong bữa ăn. Do tuyến nước bọt sản xuất nước bọt để tạo điều kiện cho quá trình ăn, khi nước bọt không thể chảy qua một ống dẫn, nó chảy ngược lại và ở trong tuyến, gây sưng và đau.
BS Mỹ cho biết, trước đây, để điều trị bệnh tuyến nước bọt thường phải điều trị nội khoa bằng kháng sinh, thuốc chống viêm và thuốc tăng tiết nước bọt, hoặc bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến.
Tuy nhiên, việc điều trị nội khoa thường không có kết quả triệt để. Còn với phẫu thuật cắt bỏ tuyến có nguy cơ tổn thương thần kinh, như thần kinh lưỡi, thần kinh mặt, thần kinh hàm dưới. Chưa kể, việc phẫu thuật cũng có thể gây ra các vấn đề như sẹo thẩm mỹ, nhiễm trùng vết thương…
Để khắc phục các phương pháp này, bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) đã triển khai phương pháp nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến nước bọt, phát hiện bệnh lý tuyến nước bọt ở những bệnh nhân vốn tưởng viêm nhiễm thông thường.
Trong đề tài Nghiên cứu: “Nội soi hỗ trợ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến nước bọt” được các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba tiến hành cho thấy, các bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa phẫu thuật hàm mặt từ tháng 2-8/2018 có 6 bệnh nhân được chẩn đoán viêm tuyến nước bọt.
Các bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi tuyến nước bọt cho thấy bệnh nhân đều giảm nhẹ triệu chứng đau tại chỗ. Siêu âm được thực hiện lại sau 1 tuần trên các bệnh nhân có sỏi tuyến đều không thấy tồn tại sỏi.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sau 6 tháng, không phát hiện bệnh nhân nào tái phát.
Theo BS Mỹ, nội soi để loại bỏ sỏi tuyến nước bọt có tỷ lệ thành công cao. Tất cả sỏi tuyến nước bọt có đường kính dưới 4mm đều có thể sử dụng nội soi để loại bỏ một cách trực tiếp. Nếu sỏi lớn hơn từ 4-8mm có thể được phân mảnh bằng laser tán sỏi và loại bỏ dần từng mảnh vỡ.
"Việc nội soi loại bỏ sỏi tuyến nước bọt không chỉ điều trị triệt để, giảm biến chứng mà còn bảo tồn chức năng tuyến trong khi làm giảm sự tắc nghẽn ống tuyến", BS Mỹ cho biết.
Đến nay đã có hơn 20 trường hợp được áp dung phương pháp tiên tiến này Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba.
Các chuyên gia khuyến cáo, tuy bệnh của tuyến nước bọt hiếm gặp và không nguy hiểm, các khối u từ tuyến nước bọt tuy nhỏ nhưng vẫn có ác tính và cần được điều trị sớm. Vì thế, khi có dấu hiệu sưng đau tái lại vùng dưới hàm, má... bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán xác định, điều trị.
Hồng Hải