Nam sinh viên co giật, viêm màng não vì sốt xuất huyết

(Dân trí) - Sau 4 ngày sốt cao liên tục, nam sinh viên trường đại học Xây dựng  rơi vào tình trạng co giật, mất ý thức. Khi được chọc dịch não tủy, bệnh nhân được chẩn đoán viêm não - màng não do sốt xuất huyết (SXH).

 

TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.H
TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.H

TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân N.Đ.T (23 tuổi, sinh viên trường Đại học Xây dựng) nhập viện Bạch Mai hôm 5/9 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, có rối loạn ý thức, thở oxy và  vào chỉ sau 8 tiếng nhập viện bệnh nhân rơi vào trạng thái co giật, mất ý thức.

Trước đó 3 ngày bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao liên tục, đi khám tại một BV của Hà Nội và cũng đã được chẩn đoán theo dõi SXH và theo dõi tại nhà. Sau 1 ngày sốt liên tục, đến ngày thứ 2 bệnh nhân bị đau đầu, sốt cao nên đã nhập viện theo dõi nhưng tình trạng mệt vẫn kéo dài, thông thể ăn uống và gia đình đã xin chuyển đến khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.

Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán SXH và điều trị. Tuy nhiên sau 8 tiếng nhập viện, bệnh nhân T. lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tuỷ. Kết quả chọc dịch não tủy cho thấy bệnh  nhân bị viêm não- màng não do sốt xuất huyết Dengue.

Theo TS Cường, số ca SXH phải nhập viện tại Hà Nội gần đây có gia tăng, tại khoa cũng đang theo dõi, điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân SXH nhưng đây là một ca bệnh rất hiếm gặp, bệnh nhân bị biến chứng gây viêm não- màng não vì SXH.

Sau khi được chẩn đoán bằng chọc dịch não tủy, bệnh nhân được điều trị tình trạng viêm não - viêm màng não và sau 2 ngày diễn biến bệnh nhân khá lên. Đến sáng 7/9 bệnh nhân đã tỉnh, ngồi dậy được, biết trả lời khi được hỏi, đòi đi vệ sinh.

TS. Đỗ Duy Cường cho biết, triệu chứng của bệnh thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường < 100.000/mm3 ), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu). Tuy nhiên, biến chứng gây viêm màng não như bệnh nhân này khá hiếm gặp nhưng do phát hiện kịp thời, bệnh nhân được điều trị ngay tình trạng viêm não - màng não nên đã hồi phục.

Đến nay, do SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên bình thường khi bị SXH bệnh nhân chủ yếu được truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng này. 

“Trong thời điểm này, khi mà dịch SXH đang gia tăng, bất cứ ai thấy có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột liên tục 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; Có thể có, phát ban, nổi hạch thì nên đến viện khám sớm để được chẩn đoán, điều trị. Không phải bệnh nhân SXH nào cũng phải nhập viện mà trên các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện hoặc hướng dẫn bệnh nhân theo dõi tại nhà và tái khám theo lịch hẹn, khi có dấu hiệu bất thường”, TS Cường nói.

Hồng Hải