Nam Định: Lập chốt, rải 3 tấn vôi bột khắp xã dập dịch cúm H5N1
(Dân trí) - Sau khi phát hiện dịch, UBND xã đã nghiêm cấm các hộ nuôi gia cầm không được nhập xuất gia cầm trong thời điểm này, dùng 3 tấn vôi bột rải khắp các trục đường trọng điểm và tại các gia đình có dịch.
Hiện nay tỉnh Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày.
Sau khi phát hiện dịch, UBND xã đã nghiêm cấm các hộ nuôi gia cầm không được nhập xuất gia cầm trong thời điểm này, dùng 3 tấn vôi bột rải khắp các trục đường trọng điểm và tại các gia đình có dịch.
Lập hai chốt kiểm dịch ở hai cửa ngõ chính vào xã có cán bộ thú y và Công an xã trực 24/24 giờ, phun khử trùng tất cá các xe ra vào xã. Tập trung 21 hộ chăn nuôi về uỷ ban để cán bộ thú y của tỉnh và huyện hướng dẫn phòng chống và biện pháp ngăn ngừa dịch lan rộng, cấp 1100 lít thuốc sát trùng cho các hộ dân ,tổ chức tiêu huỷ số gia cầm có dịch.
Ông Nguyễn Xuân Tứ, Phó chủ tịch UBND xã Trực Thuận cho biết: “Hiện nay các ban ngành đoàn thể của ủy ban giành hết thời gian để chống chọi với chiến dịch này, hàng ngày cán bộ thú y xuống các hộ lấy mẫu xét nghiệm của những con gia cầm nghi vấn gửi lên thú y tỉnh lấy kết quả về và tiếp tục thực hiện như quy trình đã làm. Hy vọng rằng dịch cúm gia cầm sẽ được khống chế không lan rộng ra cộng đồng”.
Sau khi dịch cúm A/H5N1 bùng phát tại Nam Định, các cơ sở Y tế ở Nam Định đã lập danh sách 70 người đã tiếp xúc với gia cầm ốm, chết ở các ổ dịch A/H5N1 để theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định. Hiện sức khỏe của 70 người ở các hộ chăn nuôi có gia cầm nhiễm cúm ốm, chết và những người có liên quan trong khu vực có dịch hiện vẫn bình thường.
Bác sĩ Lại Tuấn Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định cho biết: “Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ xuống vùng dịch cùng với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn phòng ngừa dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Tất cả những người ở các hộ có gia cầm ốm, chết và những người thực hiện nhiệm vụ trong vùng dịch, tham gia tiêu hủy gia cầm đều được lập danh sách theo dõi, báo cáo sức khỏe hàng ngày”.
Bác sĩ Lại Tuấn Anh cũng khuyến cáo, bệnh cúm gia cầm lây sang người A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người.
Do đó, để phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôim rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn…
Đức Văn