Năm dấu hiệu khi hút thuốc cảnh báo ung thư phổi xuất hiện
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ung thư phổi. Nếu mắc phải 5 triệu chứng sau, bạn nên kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.
Một bệnh nhân nam tại Trung Quốc tên Zhao, 55 tuổi đã tới gặp bác sĩ trong tình trạng xanh xao, ốm yếu và có những cơn ho kéo dài. Ban đầu, ông Zhao tưởng mình mắc bệnh lao.
Nhưng sau khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ kết luận ông bị ung thư phổi giai đoạn ba, khối u đã di căn sang nhiều bộ phận và phải phẫu thuật gấp. Nguyên nhân gây bệnh đến từ thói quen lâu năm của ông: hút thuốc lá.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, thuốc lá chứa rất nhiều tar, nicotine, carbon monoxide và các chất khác khi chúng bị đốt cháy. Những chất này được hít vào phổi có thể gây ung thư.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ung thư phổi, bao gồm suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong hệ thống gen và tác động bên ngoài môi trường... nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn đến từ thói quen hút thuốc lá. Trên thực tế, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 30 - 40 lần so với người bình thường.
Để phát hiện sớm và có giải pháp kịp thời cho sức khỏe, bạn nên tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu gặp 5 dấu hiệu sau khi hút thuốc:
1. Ho kéo dài
Nhiều bệnh nhân thường nhầm ho do ung thư phổi với viêm phế quản và dễ chủ quan với tình trạng này. Thế nhưng, khi phổi đã tổn thương nặng nề do hút thuốc lá, việc gặp những cơn ho kéo dài là một triệu chứng nguy hiểm.
2. Đau tức ngực
Nếu cảm thấy đau ngực khi hút thuốc, đặc biệt là đau ngực ở vùng phổi trên, bạn cần đặc biệt lưu ý. Triệu chứng này có thể là nguyên nhân của ung thư phổi đã di căn vào thành ngực, cần được điều trị kịp thời.
3. Chán ăn và giảm nhiều cân
Bệnh nhân ung thư phổi sẽ gặp phải tình trạng mất cảm giác ngon miệng và sụt giảm cân nặng một cách đột ngột và bất thường. Đây là dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, tuy nhiên một số bệnh nhân khi mắc ung thư phổi có thể không nhất thiết phải biểu hiện các triệu chứng hô hấp điển hình mà chỉ chán ăn, giảm cân. Do vậy, những người hút thuốc lá nên chú ý những thay đổi từ nhỏ nhất của sức khỏe để sớm ngăn chặn bệnh kịp thời.
4. Máu bên trong đờm khi ho
Một số người ho kéo dài do ung thư phổi có thể gặp dấu hiệu đờm có máu. Mặc dù ung thư phổi giai đoạn đầu không gây ra máu trong đờm, thế nhưng nếu cơ thể đã có dấu hiệu này, rất có thể các mạch máu trên bề mặt khối u đã bị phá vỡ, gây ra tình trạng máu trộn lẫn đờm nguy hiểm.
5. Khó thở
Khi ung thư phổi xuất hiện, cơ quan duy trì nhịp thở đã bị tổn thương nên việc khó thở diễn ra thường xuyên hơn. Bạn nên dừng hút thuốc và kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt để lá phổi luôn khỏe mạnh. Cách tốt nhất để kiểm tra tình trạng này là thực hiện chụp CT phổi, nội soi phế quản hoặc sinh thiết kim để sớm có biện pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, bạn cũng nên làm 4 việc để bảo vệ phổi một cách tốt nhất:
1. Uống nhiều nước
Để phổi và cơ thể vận hành tốt, mỗi người trung bình nên uống ít nhất 2 lít nước một ngày. Ngoài việc uống nước, bạn có thể bổ sung nước bằng cách uống canh và súp trong mỗi bữa ăn.
2. Ăn thực phẩm có lợi cho phổi
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng các thực phẩm màu trắng rất tốt cho phổi và có hiệu quả thanh lọc, chăm sóc bộ phận quan trọng này. Bạn có thể tham khảo các món ăn được chế biến từ thực phẩm trắng như: củ cải trắng, nấm trắng, quả lê, củ sen... với giá thành rẻ và rất phổ biến.
3. Tập các bài tập thể dục tốt cho phổi
Tập thể dục mỗi ngày là thói quen tốt cho sức khỏe, bạn hãy lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, chậm và vừa phải sẽ rất tốt cho tim phổi.
4. Tập hít thở sâu
Hít thở sâu và đều đặn là cách hiệu quả để phổi luôn nhận đủ oxy, dẻo dai, khỏe mạnh. Cách làm rất đơn giản, hít không khí vào bằng mũi thật chậm cho tới khi bụng từ từ phình ra. Giữ trạng thái này từ 3 tới 5 giây rồi thở ra thật chậm, ép toàn bộ không khi trong phổi ra ngoài. Nghỉ ngơi vài giây rồi tiếp tục lặp lại, mỗi ngày bạn duy trì thở sâu ít nhất 6 - 10 lần.