Mướp - thức ăn, vị thuốc

Theo Đông y, quả mướp vị ngọt, tính bình, không độc, dùng nấu nước uống giúp lợi sữa cho phụ nữ mới sinh, có thể nấu với móng giò lợn để ăn.

Để chữa lở đầu trẻ em,dùng lá mướp tươi giã nhỏ, vắt lấy nước cốt tẩm vào vết thương; kết hợp ngày dùng 5-10 g xơ mướp sắc uống, hoặc dùng xơ mướp đốt tồn tính tán bột cho uống.

Xơ mướp là vị thuốc lương huyết, hoạt huyết, thông kinh giải độc, giảm đau, cầm máu; dùng chữa chảy máu ruột, băng huyết, lỵ ra máu. Thường đốt tồn tính mà cho uống. Rễ cây mướp cũng được dùng làm thuốc chữa lở ngứa, đau lưng.

Một số bài thuốc tham khảo:

Chữa tắc tia sữa: Dùng mướp cả hạt đốt tồn tính, tán thành bột uống với ít rượu nhẹ 8 g/lần, dùng xoa đắp ngoài vú.

Chữa kinh nguyệt không đều: Dùng 1 quả mướp khô đốt tồn tính rồi tán bột, uống vào sáng sớm lúc còn đói với rượu.

Chữa trĩ, trực tràng chảy máu hoặc xuất huyết tử cung: Xơ mướp đốt tồn tính tán bột, uống mỗi lần 2 g, 3 lần/ngày.

Chữa lở ngứa: Chọn rễ cây mướp già đun với nước rồi ngâm rửa.

Đau lưng lâu khỏi: Dùng rễ mướp 80-120 g, sắc uống hằng ngày.

Giúp lợi tiểu: Chọn 1 quả mướp to, cắt bỏ ngang phần trên, cho vào ruột quả 37,7 g kali nitrat (diêm tiêu), đậy nắp lại cho vào lò đun nóng (phải giữ quả thẳng đứng). Khi diêm tiêm đã tan, quả chín mềm nhũn thì lấy ra nghiền nát, dùng vải lọc, chia nước này uống trong 5-6 ngày (theo kinh nghiệm dân gian Campuchia).

Theo Sức Khỏe & Đời Sống