Muôn kiểu khổ vì nồm ẩm: Ho như cuốc, mũi "có như không"

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân viêm xoang mệt mỏi khi phải vật lộn với đủ các kiểu triệu chứng bùng phát khi trời nồm ẩm.

Khổ như "trời hành" vì nồm ẩm

Đang tập trung "chạy deadline" nhưng cứ vài mươi phút cơn ho lại ập đến làm đứt đoạn mạch làm việc. Đây là tình cảnh của chị Ngọc Hà (tên nhân vật đã được thay đổi), 35 tuổi, một người mắc bệnh viêm xoang, trong những ngày Hà Nội nồm ẩm này.

"Cứ những ngày trời mưa phùn, ẩm ương là y như rằng, tôi lại bị viêm xoang hành. Đầu tức nặng, chóng mặt, ngạt mũi, thỉnh thoảng lại ho như cuốc vì dịch mũi giọt xuống họng… những triệu chứng này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của tôi, nhất là trong những ngày phải tập trung chạy deadline", chị Hà chia sẻ.

Muôn kiểu khổ vì nồm ẩm: Ho như cuốc, mũi có như không - 1

Miền Bắc đang trong đợt nồm ẩm, mưa phùn dài ngày (Ảnh: Nguyễn Dương).

Để "sống chung với lũ", chị Hà đặt mua thuốc gia truyền của một thầy lang ở Tuyên Quang, mà theo chị mô tả là đã từng sử dụng cách đây 3 năm và thấy hiệu quả.

Chị Hà kể: "Lọ thuốc hơn 400.000 đồng nhưng chỉ bé bằng ngón tay cái, chỉ đủ sử dụng trong vài tuần. Biết là đắt nhưng đành bấm bụng vì là "cứu cánh" duy nhất trong những ngày này".

Suốt một tuần qua, khăn giấy trở thành "bạn đồng hành" của Minh Hiền, 27 tuổi (sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) dù ở bất kỳ đâu.

"Tôi mệt mỏi khi phải vật lộn với tình trạng chảy nước mũi liên tục do đợt viêm xoang cấp gây ra. Trên bàn làm việc của tôi luôn có một hộp khăn giấy; trong túi xách cũng phải chuẩn bị sẵn gói khăn giấy nhỏ để phòng trường hợp phải đi đâu", chị Hiền chia sẻ.

Muôn kiểu khổ vì nồm ẩm: Ho như cuốc, mũi có như không - 2

Ho là một trong những tình trạng nhiều bệnh nhân viêm xoang gặp phải trong kiểu thời tiết hiện nay (Ảnh: Istock).

Không chỉ bất tiện, theo chị Hiền, nước mũi kèm dịch mủ khi chảy xuống họng còn khiến chị bị ho sặc sụa và viêm họng.

Mũi sưng nề vì thời tiết ẩm ương, nhiều ngày qua mỗi khi lên giường ngủ, Quang Tùng, 30 tuổi (Đội Cấn, Hà Nội) lại mất cả tiếng đồng hồ trằn trọc vì ngạt thở. Thậm chí, khi đã ngủ được anh lại ngáy rất to và hay bị thức giấc.

"Đối với tôi kiểu thời tiết này đúng như "trời hành". Tôi thở như cá mắc cạn vì mũi luôn trong tình trạng ngạt, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Vùng trán đau tức cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất làm việc", anh Tùng chia sẻ.

Thử đủ các loại thuốc nhưng tình trạng không mấy cải thiện, người đàn ông này lại chuyển hướng sang tìm các mẹo chữa xoang trên mạng xã hội.

 "Tuần trước, xem được video hướng dẫn nhét tép tỏi vào mũi sẽ hết ngạt, tôi cũng tập làm theo. Chỉ sau một vài phút nước mũi chảy ra rất nhiều, tưởng rằng sẽ có công hiệu nhưng "ngạt vẫn hoàn ngạt", thêm vào đó mũi lại đau rát vì dịch tỏi", anh Tùng kể.

Giải pháp "hạ nhiệt" triệu chứng viêm xoang

Khi giao mùa, mưa âm ỉ, kéo dài suốt nhiều ngày là yếu tố thời tiết bất lợi khiến chảy nước mũi, ngạt mũi tái phát không kém gì mùa lạnh, đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi xoang.

Nguyên nhân gây bệnh là trong mùa mưa có lúc độ ẩm lên đến 90%, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển tấn công mũi xoang làm phù nề niêm mạc, tăng tiết dịch mũi xoang...

Ngoài ra, môi trường, không khí ô nhiễm, khói xe, khói bụi, khói đốt rơm rạ… cũng góp phần gây kích thích, tổn thương niêm mạc đường hô hấp, làm cho tình trạng viêm mũi xoang nặng nề hơn.

Trao đổi với PV Dân trí, ThS.BSCKII Nguyễn Đình Trường - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công An) thông tin, với các bệnh nhân viêm xoang trong kiểu thời tiết hiện nay có một số lưu ý để bảo vệ sức khỏe.

Trước hết, bệnh nhân cần cố gắng duy trì độ ẩm tốt với sức khỏe trong không gian sống (ở ngưỡng 40 - 60%) bằng máy điều hòa hoặc máy hút ẩm, sẽ đảm bảo đường thở được tốt hơn.

"Trong thời gian này, thường sức đề kháng và khả năng thích nghi của con người sẽ kém hơn. Do đó, người dân cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học và khi đi ra ngoài không để nhiễm lạnh", BS Trường cho hay.

Với các trường hợp đã có dấu hiệu của tình trạng viêm mũi xoang hoặc dị ứng hắt hơi, sổ mũi có thể dùng nước muối sinh lý, để rửa sạch các dịch ứ đọng trong mũi, cũng như các tác nhân gây hại bám trên bề mặt niêm mạc mũi xoang.

Trong trường hợp triệu chứng không đỡ, người bệnh có thể kết hợp xịt một số thuốc tân dược hoặc đông y có thành phần co mạch để thông thoáng mũi của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm