Muỗi đốt liệt người: dẫu hiếm vẫn cảnh giác

Natasha Porter, một phụ nữ 23 tuổi người Anh khi đi du lịch tại Úc bị muỗi đốt đã dẫn đến tê liệt tạm thời từ cổ trở xuống, phải ngồi xe lăn trong bốn tháng, sau đó được điều trị trở lại bình thường. Mới đây, các bác sĩ đã xác định Natasha Porter mắc hội chứng Guillain-Barré.

Natasha Porter sau khi bị muỗi đốt đã dẫn đến tê liệt tạm thời. Ảnh: foxnews

Natasha Porter sau khi bị muỗi đốt đã dẫn đến tê liệt tạm thời. Ảnh: foxnews

 

Bị “đánh nhầm” mà thành hội chứng

 

Là một trong những chuyên gia sức khoẻ theo dõi khá sát sao ca bệnh này, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh, thầy thuốc ưu tú, viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn cho biết trường hợp mắc phải hội chứng Guillain-Barré có nguyên nhân do muỗi đốt rất hiếm gặp.

 

“Tại Việt Nam, chưa có một tài liệu hay công trình nghiên cứu khoa học nào thông báo trường hợp bệnh nhân bị hội chứng Guillain-Barré sau khi muỗi đốt. Tuy vậy, nước ta ở trong khu vực nhiệt đới có nhiều loại muỗi hoạt động nên cần được cảnh báo một hội chứng hiếm gặp đã được các nhà khoa học ở nước ngoài phát hiện và chẩn đoán xác định. Về phía người dân cũng cần sử dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt...”, BS Hinh nói.

 

TS.BS Vũ Đức Định, trưởng khoa hồi sức tích cực, bệnh viện E Trung ương cho biết, hội chứng Guillain-Barré (hay còn được gọi là liệt Landry, hội chứng Guillain - Barré - Strohl) là một tổn thương cấp tính của các rễ, các dây thần kinh ngoại biên do nhiều nguyên nhân. Cho đến nay, người ta cho rằng hội chứng Guillain-Barré có tổn thương là do cơ chế tự miễn dịch. Sau sự xuất hiện của tác nhân gây bệnh (hay các kháng nguyên) trong máu, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể để tiêu diệt kháng nguyên. Trong hội chứng Guillain-Barré, kháng thể “nhầm lẫn” giữa sợi trục cũng như lớp vỏ myelin của các sợi rễ và dây thần kinh nên đã “đánh nhầm” và làm tổn thương các phần cấu trúc này. Kết quả là các rễ và dây thần kinh bị “hỏng” nên gây triệu chứng về vận động và cảm giác. Các tác nhân gây bệnh hay các kháng nguyên trong hội chứng Guillain-Barré bao gồm: các nhóm vi khuẩn như Campylobacter jejuni; virút như Cytomegalovirus (CMV), influenza virus… “Hội chứng Guillain-Barré cũng được cho là có liên quan đến việc dùng một số loại thuốc, hoá chất và có tới 60% các ca không rõ nguyên nhân khởi phát”, BS Định cho biết.

 

Những biểu hiện cần cảnh giác sớm

 

Theo BS Hinh, trên thực tế, các nhà khoa học không thể giải thích được tại sao hội chứng Guillain-Barré có thể xuất hiện ở người này nhưng không xảy ra trên người khác và điều gì đã làm cho bệnh tiến triển. Đây là một hội chứng gây nên tình trạng bệnh lý hiếm gặp, thường xảy ra một vài ngày hoặc vài tuần sau khi bệnh nhân gặp phải những triệu chứng bệnh lý về đường hô hấp hoặc nhiễm khuẩn, nhiễm virút ở đường tiêu hoá. BS Hinh cho biết: “Đôi khi hội chứng cũng xuất hiện sau khi phẫu thuật hoặc chủng ngừa vắcxin. Hội chứng rối loạn tạm thời có thể tính theo giờ hoặc ngày và có thể kéo dài từ ba - bốn tuần”.

 

Theo BS Định, đặc điểm cơ bản của hội chứng Guillain-Barré là liệt ngoại biên có tính chất lan lên (từ các đầu chi đến các cơ toàn thân) và rối loạn cảm giác. Thông thường, bệnh nhân thấy cảm giác tê đầu chi như kiến bò, sau đó khó cử động tay, chân. Một số bệnh nhân có các dấu hiệu liệt dây thần kinh sọ xuất hiện đầu tiên như liệt hầu họng làm bệnh nhân nói khó, nuốt sặc, liệt mặt ngoại biên, liệt cơ vận nhãn khiến bệnh nhân có biểu hiện nhìn đôi, lác trong, lác ngoài. Các rối loạn vận động xuất hiện từ đầu các chi, sau đó gây liệt chi và lan nhanh lên phía trên gây liệt toàn thân (cấu véo bệnh nhân không có cảm giác trong khi các cảm giác về nóng, lạnh ít rối loạn hơn), trong đó có liệt các cơ hô hấp: cơ liên sườn, cơ hoành, cơ ức đòn chũm, cơ thang...

 

Liệt các cơ hô hấp khiến cho bệnh nhân bị suy hô hấp và đây cũng là biểu hiện nguy hiểm nhất, là mục tiêu điều trị đầu tiên. “Điều trị hội chứng Guillain-Barré gồm các giai đoạn điều trị đặc hiệu để phục hồi liệt vận động càng sớm càng tốt, chăm sóc chống bội nhiễm, đảm bảo dinh dưỡng và tiến hành phục hồi chức năng sớm. Khi điều trị, vấn đề đầu tiên là xem xét can thiệp cho thở máy sớm nếu có liệt các cơ hô hấp, sau đó tiến hành thay huyết tương tại giường. Nếu không thay huyết tương, truyền tĩnh mạch immunoglobulins cũng là một lựa chọn tốt…”, BS Định nói.

 

Nhiều người Việt Nam bị hội chứng Guillain-Barré

 

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM từng tiếp nhận hai trường hợp trẻ bị liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp, phải điều trị bằng máy thở: L.B.Đ., 7 tuổi, ngụ tại Nha Trang, trước đó bị sốt nhẹ, đau họng, yếu tay chân, đi tiêu khó khăn, rồi không đi được; và L.Th.T., 11 tuổi (An Giang) bị liệt tay chân, uống nước sặc. Cả hai trẻ được chẩn đoán là bị hội chứng Guillain-Barré. Sau điều trị tích cực, hai bệnh nhi hồi phục tốt.

 

Khoa hồi sức tích cực bệnh viện E Trung ương cũng từng điều trị thành công một bệnh nhân nữ sau khi mổ thay van tim mắc hội chứng Guillain-Barré gây liệt toàn thân và liệt các cơ hô hấp, buộc phải thở máy liên tục trong hai năm rưỡi kết hợp cùng các biện pháp chăm sóc và điều trị tích cực.

Theo Lê Hương - Thoại Vi

Sài Gòn tiếp thị