Mua chai hóa chất 75.000 đồng về thông bồn cầu, cha con ở TPHCM bỏng nát da
(Dân trí) - Trong lúc thông bồn cầu, người đàn ông làm thủng ống nước khiến hóa chất bắn lên, tàn phá vùng mặt và nhiều vị trí trên cơ thể. Kể cả người con gái 17 tuổi đứng gần đó cũng gặp nạn.
Ngày 1/6, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, những ngày qua Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) đã tiếp nhận điều trị hai trường hợp bỏng nặng vì tai nạn sinh hoạt rất phổ biến.
Các bệnh nhân lần lượt là anh S.N. (41 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM), và cô gái tên M.L. (17 tuổi, con gái anh N.). Khai thác bệnh sử, ngày 15/5 anh N. đi làm về liền mua một chai tẩy rửa mua với giá 75.000 đồng (chai khoảng 1 lít) ở tiệm tạp hóa về để thông bồn cầu bị nghẹt.
Quá trình thực hiện, người đàn ông đổ hóa chất vào bồn cầu, nhưng chờ một lúc lâu mà nước vẫn không chảy thông. Lúc này, anh N. lấy búa và thanh sắt để đục vị trí bị tắt nghẽn thì bất ngờ làm vỡ đường ống, khiến hóa chất xì mạnh lên.
Hậu quả, mặt, hai tay và vùng thân trên của bệnh nhân bị hóa chất bắn trúng. Kể cả người con gái 17 tuổi đứng gần đó cũng gặp nạn.
"Hai giờ đầu, tôi không có cảm giác gì, nhưng sau đó da bắt đầu rát và đau dần. Tôi không biết là hóa chất gì, nên không dám lau rửa mà cùng con gái đi thẳng lên bệnh viện gần nhà. Nằm ở đó cả ngày thấy không khỏi mà ngày càng nặng hơn nên tôi và cháu tiếp tục lên Bệnh viện Trưng Vương" - Người đàn ông nói.
Bác sĩ Ngô Phạm Gia Huy, khoa Phỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, cha con anh N. nhập viện trong tình trạng bỏng hóa chất nặng sau tai nạn sinh hoạt.
Cụ thể, anh N. bỏng diện tích 10% độ 3, bỏng sâu đến lớp trung bì. Trong đó, hai cẳng tay, cánh tay trái và mặt bỏng nặng nhất. Còn cô gái tên L. bỏng khoảng 3% cơ thể nhưng hóa chất lại dính và ăn mòn da vùng mặt.
Các bác sĩ đã tiến hành xối rửa, làm trôi tác nhân gây bỏng, sau đó do bệnh nhân dùng các loại băng gạc chuyên dụng, kháng sinh mà một số chế phẩm hỗ trợ lành vết thương.
Đến nay sau 2 tuần điều trị, người con gái lành vết thương tốt nên được cho xuất viện. Trong khi đó, anh N. vẫn còn bỏng sâu một số chỗ, cần tiếp tục theo dõi kỹ trong mỗi lần thay băng để đưa ra hướng điều trị cụ thể.
Theo bác sĩ Huy, tai nạn bỏng hóa chất khi người dân tự tẩy rửa bồn cầu trong nhà vệ sinh khá phổ biến. Theo thống kê, mỗi năm khoa Bỏng, Bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân gặp nạn trong tình huống này.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân khi muốn tẩy rửa, thông cầu cống nghẹt nên sử dụng các loại hóa chất rõ nhãn mác, nguồn gốc, có hướng dẫn sử dụng cụ thể. Trong quá trình thực hiện phải đeo bao tay, đồ bảo hộ kỹ.
Nếu chẳng may có tai nạn xảy ra, cần dùng nước sạch để xối rửa các tác nhân gây bỏng khỏi cơ thể sớm, sau đó đến ngay bệnh viện gần nhất để được can thiệp, điều trị.
"Với các trường hợp trên, thời điểm bị hóa chất bắn vào người đã không biết cách sơ cứu ban đầu, nên khi nhập viện mức độ bỏng đã sâu hơn. Về viện phí điều trị, dù bảo hiểm y tế có chi trả cho việc điều trị bỏng nói chung, nhưng các loại băng gạc cũng khiến bệnh nhân phải tốn kém nhiều" - bác sĩ phân tích.