Một trẻ suy hô hấp nặng vì vi rút sởi “tấn công” thẳng vào phổi

(Dân trí) -Trái ngược với hoàn toàn diễn biến thông thường của sởi là làm trẻ suy giảm miễn dịch, bội nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi, những bệnh nhi này bị suy hô hấp nặng do vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi.


Clip Tú Anh
 
Phổi trắng xóa sau vài tiếng nhập viện

Sáng 3/3, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bé Bùi Kiều Chinh (10 tháng tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã qua nguy kịch, sau suốt 7 ngày thở máy liên tiếp và điều trị viêm thanh quản do vi rút sởi.

Trước đó, sáng 16/2 bệnh nhi được gia đình đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) khám sau 2 ngày có ho, sốt, nổi ban. Sau khi được chuyển sang BV Nhiệt đới TƯ điều trị, ngay chiều cùng ngày, kết quả chụp phổi của bệnh nhi đã trắng xóa, phổi tổn thương cực nặng, trẻ suy hô hấp nhanh nên chuyển sang khoa Nhi để thở máy.
 
“Ngay khi chuyển sang khoa Nhi, bé lập tức được thở ôxy, điều trị tích cực nhưng diễn biến suy hô hấp rất nhanh. Ngày nào bệnh nhi cũng được chỉ định chụp phim để theo dõi. Bởi trước đó, một bệnh nhi 13 tháng tuổi đã tử vong với những biểu hiện giống hệt bệnh nhi này”, TS Dũng nói.

Thông thường, khi trẻ mắc sởi, vi rút sởi sẽ làm trẻ suy giảm miễn dịch và có thể gây biến chứng viêm phổi ở những trẻ có miễn dịch yếu do vi rút sởi gây suy giảm miễn dịch. Còn hai bệnh nhân này, diễn biến viêm phổi rất nhanh. Tại thời điểm nhập viện bệnh nhân sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp rồi nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi. Chỉ sau vài giờ đồng hồ phổi đã trắng xóa, tim to, gan to… là những biểu hiện rất điển hình của tình trạng suy hô hấp cấp tính tiến triển.

Kết quả cấy dịch nội khí quản, cấy máu của cả hai bệnh nhi này đều không ra vi khuẩn. Ở ca đầu tiên, dù kết quả cấy không phát hiện vi khuẩn, diễn biến lâm sàng cực nhanh (viêm phổi do vi rút tiến triển cực nhanh), hình ảnh X-quang tim phổi cho thấy bệnh nhi bị viêm phổi do vi rút nhưng các bác sĩ mới nghĩ đến có khả năng vi rút sởi tấn công ngay vào phổi chứ không phải bị viêm phổi vì bội nhiễm vi khuẩn như thông thường. Đến ca bệnh thứ hai này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định bệnh nhi viêm phổi do vi rút tấn công thẳng vào phổi không gây viêm phổi theo cơ chế thông thường.

Bệnh nhi 10 tháng tuổi đã bình phục sau biến chứng viêm phổi do sởi. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhi 10 tháng tuổi đã bình phục sau biến chứng viêm phổi do sởi. Ảnh: H.Hải

Bệnh nhi đã phải trải qua 7 ngày thở máy đầy khó khăn, căng thẳng, luôn phải có bác sĩ trực máy thở để kịp thời điều chỉnh máy thở phù hợp với từng giai đoạn sức khỏe của trẻ, lúc bệnh nhân thở ít máy bơm nhiều, khi thở nhiều phải chỉnh giảm máy. Hàng ngày, bệnh nhi cũng được kiểm tra tim, siêu âm liên tục, xem chức năng co bóp tim, kiểm tra chức năng gan… vì vi rút sởi khi đã tấn công trực diện vào phổi thì cũng có thể tấn công các bộ phận khác của cơ thể.

Đến ngày thứ 7, bệnh nhi được rút máy, tình trạng được cải thiện thì bác sĩ lại phát hiện bệnh nhi khó thở, tiếng rít thanh quản. “Nhiều khả năng tình trạng phù nề, viêm thanh quản cũng do vi rút sởi gây ra vì tại thời điểm nhập viện, diễn biến viêm phổi quá rầm rộ nên đã che lấp biểu hiện này”, TS Dũng nhận định.

Sau 2 tuần nhập viện, đến hôm nay tình trạng bệnh nhi hoàn toàn ổn định, bé ăn, ngủ tốt, sẽ sớm được xuất viện.

3 bệnh nhi biến chứng sởi nhập viện một đêm

TS Dũng cho biết, đêm qua (2/3) khoa cũng tiếp nhận cùng lúc 3 bệnh nhi biến chứng viêm phổi do sởi nhập viện. Từ đầu mùa dịch đến nay, khoa Nhi tiếp nhận khoảng 30 cháu bị sởi có biến chứng, trong đó có 3 ca diễn biến cực nặng (1 bệnh nhi đã tử vong, 1 bệnh nhi được cứu sống và hiện còn một bệnh nhi 2,5 tháng tuổi đang phải thở máy). Đến trên 60% trường hợp bệnh nhi nhập viện vì biến chứng sởi là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
 
Bệnh nhi 10 tháng tuổi đã bình phục sau biến chứng viêm phổi do sởi. Ảnh: H.Hải
BS Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi (BV Bạch Mai) khám bệnh cho bệnh nhi biến chứng viêm phổi do sởi. Ảnh: H.Hải
 

Vì tình trạng bệnh nhi quá tải, khoa chỉ tiếp nhận bệnh nhân phổi có biến chứng viêm phổi, còn với những ca thông thường bệnh nhi đều được hướng dẫn theo dõi tại nhà. Tình trạng các bệnh nhi cơ bản là viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn thông thường, chỉ  có 3 trường hợp là diễn biến nặng trên.

Để trả lời câu hỏi, vì sao cùng bị sởi nhưng có những trẻ diễn biến nặng, có những trẻ không, hiện khoa Nhi đang tiến hành kiểm tra lại toàn bộ các cháu, ngoài xét nghiệm sởi làm tất cả các hệ thống miễn dịch kiểm tra xem miễn dịch các cháu khi bị sởi thay đổi thế nào, để tìm mối liên giữa giảm miễn dịch ngay trực tiếp với diễn biến nặng của sởi không. Đến nay mới 10 trường hợp được xét nghiệm miễn dịch, kết quả ban đầu cho thấy có dấu hiệu suy giảm miễn dịch ở những ca nặng.

TS Dũng cho rằng, dịch sởi vẫn còn tiếp tục diễn biến dai dẳng trong những tháng này vì thời tiết ẩm, nồm, độ ẩm không khí tăng cao thì vi rút sởi càng phát triển. Trong khi đó, tất cả những trẻ chưa tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì thế, những trẻ chưa tiêm phòng cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm sớm và phải sau 1 tháng vắc xin mới sinh miễn dịch.

“Khi trẻ mọc ban sởi nhất định phải cho trẻ đi khám để bác sĩ phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ, nếu không cũng được hướng dẫn theo dõi trẻ tại nhà. Để phòng bệnh cho trẻ cần tăng cường vệ sinh mũi họng, vệ snh cá nhân, chống tập trung đông, thông thoáng nhà cửa…", TS Dũng khuyến cáo.

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi BV Bệnh Nhiệt đới TƯ,  nguy cơ mắc sởi do chưa tiêm phòng không chỉ là lời cảnh báo mà đã là hiện hữu khi trường hợp bệnh nhi vừa tử vong sau hơn một ngày điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã 11 tháng tuổi nhưng chưa tiêm phòng sởi. “Nếu được tiêm phòng đúng tuổi khuyến cáo (9 tháng), cháu đã không mắc sởi. Không phải riêng bệnh nhi này, mà rất nhiều bệnh nhi tôi tiếp xúc, các cháu đều chưa được tiêm phòng sởi đúng lịch do gia đình chủ quan, rồi sợ những tai biến vắc xin gây ra”, TS Huy nói.

Vì thế, các bà mẹ cần cho con bú sữa mẹ đầy đủ (để truyền miễn dịch cho con) và cho con tiêm phòng đúng lịch để phòng bệnh.

Hồng Hải