Một số vắc xin giúp các nước thoát khỏi đại dịch nhanh hơn
(Dân trí) - Với hàng trăm triệu người hiện đã được tiêm vắc xin Covid-19 trên thế giới, dịch bệnh đang bắt đầu được dập tắt ở những nơi mà đa phần người dân đã được tiêm chủng. Nhưng không phải ở đâu cũng vậy.
Thay vào đó, có hai xu hướng đang xuất hiện: Ở các nước như Israel, các ca Covid mới đang giảm khi tiêm chủng mở rộng, trong khi ở một số nơi khác như Seychelles - nơi đã tiêm chủng đầy đủ cho người dân nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - các ca nhiễm tiếp tục gia tăng hoặc thậm chí đạt mức cao mới.
Lý do có thể nằm ở loại vắc xin khác nhau đang được sử dụng. Bằng chứng thu được từ việc triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu cho thấy vắc xin mRNA của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech ngăn ngừa lây nhiễm tốt hơn, giúp giảm lây truyền sau này - một lợi ích phụ bất ngờ vì loạt vắc xin đợt đầu này được dự định là sẽ ngăn ngừa bệnh nặng.
Các vắc xin khác, mặc dù hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh cấp tính hoặc tử vong do Covid, nhưng dường như không có lợi ích bổ sung này ở mức độ tương tự.
Nghiên cứu trên hàng triệu người Israel được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech cho thấy vắc xin mRNA ngăn ngừa hơn 90% trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng. Điều này rất quan trọng vì khả năng ngăn chặn nhiễm trùng không triệu chứng của vắc xin "là yếu tố quyết định miễn dịch quần thể".
Miễn dịch quần thể đạt được khi virus không còn tìm thấy bất kỳ vật chủ mẫn cảm nào để tiếp tục lây lan.
Do đó, loại vắc xin mà một quốc gia sử dụng có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chính sách về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đến dỡ bỏ các hạn chế biên giới và phục hồi nền kinh tế.
Sự khác biệt về hiệu quả đã dẫn đến những "thương hiệu" được ưa chuộng ở các nước có nhiều hơn một loại vắc xin. Tại Philippines, các trung tâm tiêm chủng đã được hướng dẫn không thông báo loại vắc xin nào đang được tiêm sau khi đám đông tập trung tại một địa điểm với hy vọng được tiêm vắc xin Pfizer.
Thoát khỏi khẩu trang
Ở Mỹ, gần 40% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, chủ yếu là bằng vắc xin mRNA và số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm hơn 85% trong bốn tháng qua.
CDC Mỹ đã cho phép những người tiêm chủng đầy đủ có thể tụ tập mà không cần đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội.
Quỹ đạo tương tự cũng có thể thấy rõ ở Israel, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 60% dân số bằng vắc xin Pfizer/BioNTech và đã dần dỡ bỏ các hạn chế khi số ca mắc mới giảm xuống còn dưới 50 ca mỗi ngày, từ hơn 8.000 vào đầu năm nay. Qatar và Malta cũng đang chứng kiến số ca mắc mới giảm sâu sau khi khoảng 30% dân số được tiêm hai liều vắc xin chủ yếu là mRNA.
Kết quả càng cung cấp thêm bằng chứng về hiệu quả đáng ngạc nhiên của các vắc xin mRNA mới, cung cấp mã di truyền hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein của virus để kích thích phản ứng miễn dịch.
Các vắc xin mRNA hiện có đòi hỏi phải bảo quản cực lạnh, hạn chế khả năng tiếp cận đối với các nước có cơ sở hạ tầng giao thông và bảo quản kém.
Đó là một lý do khiến hầu hết các quốc gia chủ yếu dựa vào vắc xin không mRNA, từ vắc xin vectơ adenovirus của AstraZeneca, cho đến các loại vắc xin của Trung Quốc như Sinopharm và Sinovac, sử dụng dạng virus bất hoạt. Những vắc xin truyền thống hơn này cho thấy tỷ lệ hiệu quả từ 50% đến 80% trong ngăn ngừa Covid có triệu chứng trong các thử nghiệm lâm sàng, so với hơn 90% của vắc xin mRNA. Có rất ít dữ liệu về khả năng ngăn ngừa lây truyền tiếp theo, nhưng các dấu hiệu cho thấy tỷ lệ có thể thấp hơn nhiều.
AstraZeneca đã chỉ ra sự thành công của chiến dịch ở Anh như bằng chứng về lợi ích của vắc xin, mặc dù kết quả bao gồm tác động của cả vắc xin mRNA của Pfizer và BioNTech. Nhiễm Covid-19 ở Anh đã giảm 65% sau khi tiêm liều đầu tiên, trong khi lây truyền trong gia đình giảm tới 50%. Sinopharm chưa có ngay câu trả lời cho vấn đề này.
Là một quần đảo ở Ấn Độ Dương, Seychelles đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 65% dân số bằng các vắc xin AstraZeneca và Sinopharm, tuy nhiên các ca nhiễm mới hàng tuần tăng nhanh trong tháng này, với 37% bệnh nhân đã tiêm đủ hai liều. Sự gia tăng đã khiến chính quyền phải đóng cửa các trường học, hủy bỏ các sự kiện thể thao và cấm tụ tập gia đình. Trong số những người được tiêm chủng đầy đủ, khoảng 60% đã được tiêm vắc xin Sinopharm và những người còn lại được tiêm vắc xin AstraZeneca.
Ở Chile, tiêm chủng ngày càng tăng sử dụng chủ yếu vắc xin Sinovac đã không ngăn được số ca mắc mới hàng ngày tăng gần gấp đôi vào giữa tháng 4 so với một tháng trước đó, mặc dù đã tiêm đủ liều để bao phủ 30% dân số. Chính quyền đã phải tiến hành phong tỏa cả nước một lần nữa vào cuối tháng Ba.
Nhưng ở cả hai quốc gia này, loại vắc xin dường như chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự lây lan của dịch bệnh. Những thất bại về chính sách ở những nơi áp đặt các hạn chế quá chậm hoặc dỡ bỏ quá sớm là một nguyên nhân chính, cũng như tốc độ chẩn đoán và tiếp cận các cơ sở y tế. Tốc độ lây truyền khác nhau của các biến thể virus cũng đóng một phần.
Loại vắc xin | Giảm nhiễm có triệu chứng | Giảm nhiễm không triệu chứng | Giảm tổng số nhiễm |
Pfizer/BioNTech (mRNA) | 97% | 91.5% | 95.3% |
AstraZeneca (véc tơ adenovirus) | 66.7% | 22.2% | 54.1% |
Sinovac (virus bất hoạt) | 67% | Không rõ | 54-55% |
* Lưu ý: Dữ liệu của vắc xin Pfizer và Sinovac là từ các nghiên cứu thực tế ở Israel và Chile, trong khi dữ liệu của vắc xin AstraZeneca là từ các thử nghiệm lâm sàng.
Mối đe dọa từ các biến thể
Có vẻ rõ ràng là tất cả các vắc xin đã được phê duyệt đều làm giảm tỷ lệ bị bệnh nặng hoặc tử vong vì căn bệnh này - mục tiêu chính của vắc xin. Điều này làm giảm áp lực của các bệnh viện và nguồn lực y tế. Ví dụ, hầu hết bệnh nhân Covid mới ở Seychelles chỉ có triệu chứng nhẹ.
Theo Helen Petousis-Harris, chuyên gia về vắc xin tại Đại học Auckland, đây là bước đầu tiên quan trọng đối với những nước chưa có cơ hội tiếp cận với vắc xin mRNA. Sau khi sử dụng các vắc xin sẵn có để giảm thiểu số ca bệnh nặng, các nước có thể dập tắt lây nhiễm còn lại bằng những vắc xin ngăn ngừa lây truyền khi chúng có sẵn. Một khả năng khác là tiêm chủng cùng với sự lây lan của các ca bệnh nhẹ cũng có thể tạo ra cái gọi là miễn dịch quần thể.
Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết và cái gọi là "nhiễm trùng phá vỡ" - khi những người đã tiêm vẫn bị nhiễm Covid - xảy ra, ngay cả với các vắc xin mRNA. Người ta cũng chưa biết đầy đủ về hiệu quả hoạt động của các vắc xin khác nhau đối với các biến thể khác nhau của virus.
Một nghiên cứu ở Qatar trên 260.000 người đã hoàn thành hai liều vắc xin Pfizer/BioNTech cho thấy hiệu quả của vắc xin mRNA trong ngăn ngừa nhiễm trùng do biến thể Nam Phi là 75%.
Những cải thiện ở Mỹ và Israel diễn ra trước khi những nơi này bị ảnh hưởng bởi các biến thể mới, bao gồm các biến thể đã xuất hiện ở Brazil và Ấn Độ.
Cuối cùng, có thể cần sự phát triển của các phiên bản vắc xin mới, được cải tiến để giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc chiến chống lại Covid. Một số nhà phát triển vắc xin đang nghiên cứu việc tiêm vào mũi, có thể ngăn chặn virus bám vào đường hô hấp, nhờ đó cắt đứt sự lây nhiễm ngay tại điểm xâm nhập của nó.